Rượu, bia “đóng góp” tăng tỷ lệ thương vong
Theo tổng kết sơ bộ của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 bình quân mỗi ngày hơn 20 người tử vong vì tai nạn giao thông, cá biệt có ngày trên 30 người tử vong. Riêng tại Hà Nội lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 6 ngày Tết (tính đến hết ngày mùng 4 Tết), các cơ sở y tế thuộc Hà Nội tiếp nhận hơn 6.700 ca cấp cứu, với 659 ca tai nạn giao thông.
Đặc biệt, theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, trong số hơn 500 ca là do tai nạn giao thông nhập viện Việt Đức dịp Tết thì có những ngày tới hơn 95% ca chấn thương sọ não nguy kịch vì bệnh nhân không đội mũ bảo hiểm khi đi du xuân. Cao điểm nhất là ngày mùng 3 Tết trong 145 trường hợp đến viện khám, cấp cứu thì chỉ có 4/112 ca tai nạn giao thông có đội mũ bảo hiểm; hay như ngày mùng 1 và mùng 2 chỉ có 12 và 15 ca có đội mũ bảo hiểm. Bên cạnh việc không đội mũ bảo hiểm thì phần lớn các ca tai nạn giao thông đều có sự “đóng góp” của bia rượu, theo các bác sĩ.
Không chỉ chết vì rượu trên đường, nhiều người còn gặp nạn vì rượu ngay trên bàn ăn trong dịp Tết này. Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, trong 6 ngày Tết (từ 29 đến sáng mùng 5 Tết), ngày nào cũng có gần trăm bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu, cá biệt ngày mùng 4 Tết tiếp nhận đến 116 bệnh nhân và 2/3 trong số này buộc phải nhập viện. Trong số bệnh nhân nhập viện, lượng bệnh nhân bị chảy máu đường tiêu hóa vì bia, rượu gặp nhiều nhất trong ngày 29 - 30 Tết.
Còn ngày 2-3 Tết, đã có 20-25% trong số 169 ca cấp cứu là do chảy máu đường tiêu hóa. Riêng sáng ngày 1/2 (tức ngày mùng 5 Tết), nhiều bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng nặng phải nhập viện, phần nhiều nguyên nhân từ rượu. Số bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi bia rượu ngày càng gia tăng và trẻ hoá, (độ tuổi 30-40). Cách đây 10 năm, tại khoa mỗi tuần có 1-2 ca sảng rượu nhưng gần đây, số bệnh nhân vào khoa ít nhất 2 ca/ngày.
Rượu bia cũng là nguyên nhân của nhiều vụ đánh nhau đến nhập viện trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 này. Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, từ 26/1 đến ngày 1/2 (tức từ 29 đến mùng 5 Tết Nguyên đán), cả nước ghi nhận gần 4.500 trường hợp là nạn nhân của các vụ đánh nhau đến các cơ sở y tế khám, cấp cứu, trong đó 550 trường hợp được xác định là do rượu, bia.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, chỉ trong 5 năm (2011-2015), tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới (độ tuổi 24-64) đã tăng từ 69,6% lên 80,3%; ở nữ giới tăng từ 5,6% lên 11,2%. Trong số nam giới sử dụng rượu, bia năm 2015, có 44,2% sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại và 47,9% điều khiển phương tiện cơ giới sau khi sử dụng rượu, bia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo, rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam. Rượu, bia có liên quan đến 35,2% các ca tai nạn giao thông ở nam giới; là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam…
Cần sớm “điều trị” ma men bằng luật
Kỳ nghỉ Tết năm nay ngắn hơn các năm trước đôi ngày, nhưng không vì thế mà những tin tức buồn về số người tử vong do tai nạn giao thông, đánh nhau và ngộ độc rượu giảm đi. Tại rượu hay tại người? Câu hỏi này không khó trả lời nếu biết rằng con số đưa ra tại hội thảo “Góp ý Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” cuối năm 2016 cho thấy, tỷ lệ nam giới Việt Nam trưởng thành uống rượu, bia hiện cao nhất thế giới (77,3% so với 47,7% toàn cầu; 40,2% ở châu Phi; 70,7% ở châu Mỹ; 21,7% ở Đông Nam Á…).
Tuổi càng cao, nam giới Việt Nam có tần suất uống bia rượu ngày càng tăng mà không hề quan tâm rằng “nạn dịch” lạm dụng rượu, bia là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của những bệnh không lây nhiễm chủ yếu và những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội. Cũng tại Hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định, việc sử dụng rượu, bia tại Việt Nam có xu hướng gia tăng rõ rệt. Việt Nam đứng thứ 2 trong 10 nước Đông Nam Á về tỷ lệ người sử dụng rượu, bia. Hậu quả của việc sử dụng rượu, bia có thể là tai nạn giao thông, bạo lực xã hội, bạo lực gia đình...
Thực tế này đòi hỏi cần đẩy nhanh lộ trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào chương trình nghị sự xây dựng luật năm 2017 của Quốc hội. Và đạo luật này nhất thiết cần có cần có những điều khoản liên quan tới kiểm soát quảng cáo khuyến mại, tài trợ và kiểm soát bán lẻ với nội dung lành mạnh. Đồng thời, nghiên cứu và xem xét việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu, bia.