Dạy các môn Tự nhiên bằng tiếng Anh: 'Bói' không ra thầy… chuẩn

(PLO) - Mong ước một Việt Nam thoát khỏi “vùng trũng” tiếng Anh đã và đang là động lực thúc đẩy ngành giáo dục triển khai nhiều dự án, đề án liên quan đến đào tạo tiếng Anh trong nhà trường. Thế nhưng, câu chuyện này là điều không dễ dàng khi thí điểm dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh. Bởi thầy cô dạy được tiếng Anh thì không có chuyên môn các môn khoa học tự nhiên. Và ngược lại, các thầy cô có chuyên môn thì hạn chế về ngoại ngữ...  
Tiếng Anh, thầy không giỏi, sao có trò giỏi? (Ảnh minh họa)

“Dạy bằng tiếng Anh”, rất ít giáo viên

Theo ông Nguyễn Tô Chung - Phó Trưởng Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, từ năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT và Ban quản lý Đề án đã chỉ đạo các trường THPT trong cả nước triển khai thí điểm dạy các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học bằng tiếng Anh.

Đến nay, việc tổ chức dạy học thí điểm một số môn học bằng tiếng Anh đã bước đầu thực hiện tại một số trường THPT chuyên, trường THPT chất lượng. Bộ GD-ĐT cũng đã triển khai đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông dạy môn Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.

Song thực tế vẫn còn nhiều bất cập như từ phía năng lực của giảng viên, sinh viên, chính sách đối với giảng viên, giáo viên và môi trường dạy và học để áp dụng hình thức này.

Còn GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, chương trình đào tạo GV dạy toán bằng tiếng Anh chính thức vận hành tại trường từ năm 2013. Đến nay, lứa sinh viên (SV) đầu tiên của chương trình này chuẩn bị ra trường, đang nhận được phản hồi tích cực của trường phổ thông từ kết quả thực tập ban đầu.

Tuy nhiên, cũng theo GS Minh dù sau nhiều năm chuẩn bị về chương trình, giáo trình và đội ngũ nhưng khi triển khai chương trình đào tạo của nhà trường những năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các SV được sống cùng và phát huy khả năng ngôn ngữ chuyên ngành của mình còn nhiều hạn chế, SV ít có môi trường thực tập vì số trường phổ thông dạy học bằng tiếng Anh không nhiều.

Thực tế, PGS. TS Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nêu thực trạng hầu hết giáo viên phổ thông, đặc biệt là giáo viên chuyên ngành thì việc sử dụng tiếng Anh hết sức khó khăn.

Đội ngũ giáo viên phổ thông hầu hết không có khả năng giảng dạy cho học sinh chương trình bộ môn đó bằng tiếng Anh. Một lượng lớn giáo viên phổ thông không có khả năng sử dụng tiếng Anh trong việc đọc và tham khảo các tài liệu chuyên môn nên không nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Bởi lẽ trước nay, ở các trường sư phạm của Việt Nam mới chỉ có khoa sư phạm tiếng Anh, còn các khoa sư phạm của ngành khoa học tự nhiên, CNTT đều giảng dạy bằng tiếng Việt. Theo bà Lê Thị Chính  nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, đội ngũ thầy cô giáo có thể “dạy bằng tiếng Anh” rất ít ỏi. Giáo viên ngoại ngữ không thể  dạy toán, lý, hóa.

Ngược lại, nhiều  thầy cô rất giỏi toán, lý, hóa nhưng rất ít người có thể dạy bằng tiếng Anh. Để có được đội ngũ giáo viên dạy các môn tự nhiên, CNTT bằng tiếng Anh thì trước tiên, tại các trường sư phạm cũng phải có đội ngũ này. 

Trò có khi… giỏi hơn thầy?

Ông Nguyễn Tô Chung cho biết, đến nay, việc tổ chức dạy học thí điểm một số môn học bằng tiếng Anh đã bước đầu thực hiện tại một số trường THPT chuyên, THPT chất lượng cao. Tại Hà Nội, từ năm học 2015-2016 cũng đã triển khai thí điểm dạy các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh tại một số trường THPT công lập như: Chu Văn An, Nguyễn Huệ, Hà Nội- Amsterdam, Thăng Long, Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ông Chử Xuân Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ, giáo viên đạt trình độ B2 về tiếng Anh nhưng còn lúng túng, chưa đủ các từ chuyên ngành để trình bày bài giảng môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học bằng tiếng Anh. Trong khi đó, tại các trường chuyên hay các trường chất lượng cao, đặc biệt ở Hà Nội thì khả năng của học sinh rất khá. 

Thực tế các địa phương khác cũng cho thấy, thầy cô dạy được tiếng Anh thì không có chuyên môn các môn khoa học tự nhiên. Và ngược lại, các thầy cô có chuyên môn thì hạn chế về ngoại ngữ. Hơn nữa, chưa nói đến việc dạy các môn bằng tiếng nước ngoài, chỉ cần có đủ số lượng giáo viên đạt chuẩn khung B2 theo đề án ngoại ngữ cũng làm các sở GD-ĐT đau đầu.

Con số giáo viên đạt chuẩn tại một số tỉnh chỉ tính đến hàng chục, chưa thể nói đến hàng trăm. Chính vì vậy, tất cả các địa phương đang tiến hành tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức thi nâng chuẩn cho giáo viên.

Thế nên, ở Lạng Sơn, cách giải quyết được thầy cô đưa ra là hai giáo viên sẽ kết hợp để dạy một giờ. Thậm chí, đại diện Sở GD-ĐT Quảng Ninh thẳng thắn: “Cần phải nhìn nhận sinh viên sư phạm vốn được đào tạo chuyên môn bằng tiếng Anh, nhưng tiếng Anh lại không bằng những người khác. Học sinh chúng tôi học cũng thấy băn khoăn”.

Ông Chử Xuân Dũng cho biết, hiện nhu cầu giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh rất lớn, không chỉ ở trường công lập mà cả các trường tư thục. Phần lớn các nhà trường đều có hợp đồng, mời giáo viên từ các nước bạn. Hiện nay để mời một giáo viên nước ngoài để dạy chương trình quốc tế Tú tài Anh A-Level của Cambridge thì mức phí phải trả khoảng 8.000 USD/tháng.

Và dù triển khai bài bản, mỗi môn lựa chọn 12 giáo viên để tập huấn theo từng đợt từ 7 - 9 tháng nhưng khả năng dạy bằng tiếng Anh của một số giáo viên vẫn chưa thực sự tự tin, còn lúng túng với các từ vựng chuyên ngành, nhiều giáo viên chưa soạn được giáo án bằng tiếng Anh.

Và PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên khẳng định, trường mới chỉ đưa tiếng Anh vào dạy tại hai lớp chất lượng cao. Mỗi tuần, HS của hai lớp này được học 2 tiết lý, hóa, sinh, toán bằng tiếng Anh. Qua thực tế, dạy và học bằng tiếng Anh không dễ dàng. Đừng nghĩ và nói là cho giáo viên V đang giảng dạy toán, tin đi bồi dưỡng thêm tiếng Anh là về có thể dạy toán, tin bằng tiếng Anh. Đó là một ảo vọng.

Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Văn Trào đề xuất, ở mỗi khoa, Trường ĐHSP Hà Nội thành lập Ban điều hành Chương trình do Trưởng khoa làm Trưởng ban, các thành viên Ban chủ nhiệm là các thành viên của Ban điều hành Chương trình.  Chiến lược phát triển đào tạo cử nhân sư phạm dạy bằng tiếng Anh là một phần trong chiến lược phát triển của Trường ĐHSP Hà Nội cho đến 2024 và xa hơn nữa.

Vì thế, PGS Nguyễn Văn Trào mong muốn Bộ GD-ĐT cung cấp kinh phí ổn định hàng năm cho Chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dạy bằng tiếng Anh với quy mô khoảng 125 sinh viên/năm cho giai đoạn 1 và mở rộng thành 200 sinh viên/năm cho giai đoạn 2. Nguồn kinh phí bao gồm: Kinh phí hỗ trợ của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 và Kinh phí cấp thường xuyên hàng năm.

Có thể nói, từ trước tới nay, môn Tiếng Anh dù rất quan trọng nhưng với cách làm “thiếu chỗ nào bù chỗ ấy” dẫn tới hiệu quả không cao. Đó là chưa kể hiện nay, các kỳ thi của chúng ta đều bằng tiếng Việt và mục tiêu của HS vẫn là vào đại học. Nếu cách thi và kiểm tra chưa đổi mới thì việc dạy - học các môn bằng 100% tiếng Anh với đủ kiểu giáo trình như hiện nay sẽ càng quá tải với học trò...

Đọc thêm