Day dứt trong 'Sau lưng là cả bầu trời'

(PLO) -Nhà hát Tuổi trẻ vừa công diễn vở kịch tâm lý xã hội “Sau lưng là cả bầu trời” của tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn - NSND Lê Khanh; cùng ê kíp thực hiện chương trình: Nhạc sĩ Giáng Son, biên đạo múa Kiều Lê, họa sĩ NSƯT Doãn Bằng, thiết kế ánh sáng NSƯT Việt Thanh…
Các diễn viên trong "Sau lưng là cả bầu trời".
Các diễn viên trong "Sau lưng là cả bầu trời".

Thuộc dòng kịch hiện thực tâm lý, vở kịch “Sau lưng là cả bầu trời” của nữ tác giả Lê Thu Hạnh là câu chuyện về một gia đình có 4 người phụ nữ thuộc ba thế hệ: Bà ngoại Tuyền, người mẹ Cầm và hai cô con gái là Miêu và Hoài. Họ sống gần như khép kín trong căn nhà nhỏ với khung cửa sổ luôn luôn đóng kín không biết từ bao giờ...

Câu chuyện là tầng tầng lớp lớp những câu hỏi hồn nhiên, thật và thẳng của Hoài và Miêu; như một nhu cầu tự nhiên, không bao giờ dứt, để thỏa mãn cái quyền được biết, được hiểu sự thật của cái đang xảy ra, đã xảy ra và sẽ xảy ra liên quan đến cuộc sống quanh mình. Từ đó, hé lộ những sự thật không thể lảng tránh; những hệ lụy thẳm sâu, đeo bám cuộc đời. Và cả những giọt nước mắt, những nỗi cô đơn. 

Những sự thật phũ phàng cùng những quyết định táo bạo, bất ngờ của tuổi trẻ trong vở kịch cho ta thấy được vấn đề của thời đại. Những vấn đề liên quan đến đạo đức như tình yêu và sự thù hận; vấn đề thế hệ giữa già và trẻ, giữa quá khứ và tương lai, giữa sự thật và lòng tin, sự quay lưng hay đối diện… Đặc biệt là sự cô đơn ngay giữa những người thân rất phổ biến hiện nay. 

Vở diễn là một trải nghiệm sâu sắc, mở ra cho mỗi người những quan niệm mới về cuộc sống. “Ai cũng có gánh nặng của quá khứ, đừng để nó đánh cắp cuộc đời của mình bởi: bầu trời bao giờ cũng cao rộng, khoáng đạt và tự do” là thông điệp mà tác phẩm muốn gửi tới khán giả.

Bằng hình thức dàn dựng độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố nghệ thuật như biểu diễn, hình ảnh, âm nhạc, ánh sáng, hình thể rất hiện đại. Đặc biệt, là nghệ thuật xử lý trang trí với một thiết kế trang trí tối giản, mang tính ước lệ cao song dường như đã nhiều lúc bứt ra khỏi cả Diễn viên, vượt qua cả ngôn từ tham gia vào cảm xúc nhân vật, trở thành nhân chứng cuộc đời.

Những hình ảnh của Nghệ sĩ Việt Thanh ngoài những ô của sổ, góc phố, con đường Hà Nội là những khoảnh khắc ký ức nhân vật làm nhói đau, ám ảnh. Rồi tất cả cùng hòa vào giai điệu thanh, nhẹ, mênh mang của nhạc sĩ Giáng Son qua ca khúc chủ đạo “Em vẫn mơ về...” như đối xứng với những vết hằn ký ức qua ngôn ngữ hình thể của Biên đạo múa Kiều Lê đã đồng khắc họa sâu sắc thêm những trắc ẩn thẳm sâu nơi những người đàn bà cô đơn sau ô cửa sổ.

Chuyển tải bức thông điệp: “Mỗi người đều có một quá khứ nhưng đừng để quá khứ đánh cắp đi cuộc sống của mình”, thông qua vở diễn, Lê Khanh còn mong muốn được chia sẻ với khán giả về rất nhiều vấn đề của phụ nữ, của tình yêu, của các thế hệ già và trẻ.