Chị Nguyễn Thị Thục Nghi, một nữ doanh nghiệp ngành làm đẹp kể lại câu chuyện mình học hỏi được từ cách giáo dục kĩ năng cho trẻ của cha mẹ phương Tây: “Trong một chuyến du lịch trên thuyền tại Thái Lan mới đây, tôi rất ngạc nhiên khi cậu bé 11 tuổi người Đức chạy nhảy tung tăng trên tàu, ra khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ. Cháu tự đi lấy thức ăn, nước uống, ngồi bên lan can tàu ngắm biển. Thậm chí, khi thuyền đi tới hang động, cháu còn một mình cùng nhiều người lớn bơi thuyền kayak vào hang động nữa… ”.
“Tò mò, tôi hỏi cha mẹ cháu thì cha mẹ cháu cho biết, cha cháu dạy cháu các trò chơi vận động từ hồi mới 5 tuổi. Thường ngày cháu vẫn tập thể dục, leo núi, chạy xe đạp và đi bơi. Đồng thời ngay từ nhỏ cháu cũng đã được rèn rất kĩ rằng những gì nên làm, những gì nguy hiểm phải tránh xa.
Như có thể vui chơi, chạy nhảy trên thuyền, ngồi trên boong tàu ngắm biển nhưng không bao giờ được vươn mình ra nhìn xuống. Cháu có thể chèo một mình một thuyền vì bơi rất giỏi, nhưng tuyệt đối luôn có áo phao và chung quanh có các thuyền của người lớn. Thông qua cháu bé, tôi vỡ lẽ ra nhiều điều về giáo dục con các kĩ năng để con trở thành đứa trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn và luôn được an toàn”, chị Nghi chia sẻ.
Quả thật, có một khoảng cách không nhỏ trong cách mà cha mẹ Việt và cha mẹ phương Tây giáo dục con trẻ trong đời sống hàng ngày. Cha mẹ Việt hướng đến giáo dục kiến thức, cha mẹ phương Tây trọng giáo dục kĩ năng. Trẻ con phương Tây từ rất sớm đã được dạy về các kĩ năng thiết yếu trong cuộc sống để có thể sinh tồn trong nhiều hoàn cảnh, môi trường hay ứng phó lúc ngặt nghèo: bơi lội, xem la bàn, tạo ra lửa, những gì nguy hiểm cần tránh xa…
Trẻ em Việt thường được bao bọc trong “chăn ấm nệm êm” nhiều hơn và cha mẹ luôn có mặt để “nhắc chừng” chúng. Nhiều đứa trẻ thậm chí gần trưởng thành rồi vẫn chưa có kĩ năng bảo vệ bản thân, lơ ngơ với những vấn đề thiết yếu trong đời sống.
Tuy nhiên, cách dạy con bao bọc, không rèn kĩ năng và không cho con va chạm thực tế đôi khi là thương con mà lại hại con. Trong cuộc sống có nhiều bất trắc, nhiều hiểm nguy có thể rình rập con trẻ. Thay vì chạy theo, bảo vệ con khư khư ở mỗi tình huống, thì dạy con những kĩ năng bảo vệ bản thân là cách thức an toàn và chủ động hơn hết. Đồng thời, cách này cũng khiến đứa trẻ trở nên mạnh dạn, tự tin và năng động hơn trong cuộc sống.
Gần đây, đã có nhiều thay đổi trong quan niệm dạy và học cho trẻ. Nhiều kĩ năng cho trẻ cũng đã được đưa vào giảng dạy trong các trường, những khóa học kĩ năng được nhiều trung tâm mở ra, đồng thời phụ huynh cũng có ý thức hơn về vấn đề này, bên cạnh học kiến thức ở trường. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong tư duy giáo dục con trẻ.