Theo Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, hôm nay – 9/8, UNFPA tại Việt Nam và Tổ chức Vital Strategies – đối tác trong Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe của Quỹ Bloomberg Philanthropries đã ký kết thỏa thuận cho giai đoạn 2 của quan hệ đối tác trong khuôn khổ Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe nhằm tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực cải thiện công tác đăng ký và thống kê hộ tịch (ĐK&TKHT) của Chính phủ Việt Nam.
Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe do Quỹ Bloomberg Philanthropies và Bộ Ngoại giao và Thương Mại Australia tài trợ. Việt Nam đã tham gia Sáng kiến này từ tháng 3/2020, và giai đoạn hai sẽ do Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2023.
Hân hạnh được tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thu thập dữ liệu y tế công cộng tốt hơn, Tiến sĩ Kelly Henning, Giám đốc Chương trình Y tế công cộng của Quỹ Bloomberg Philanthropies phát biểu: “Hệ thống ĐK&TKHT vững chắc hơn sẽ cung cấp dữ liệu chất lượng hơn nhằm hỗ trợ đưa ra những quyết định bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam”.
Bà Jana Shih, Cố vấn kỹ thuật về ĐK&TKHT của Vital Strategies tại Việt Nam và Thái Lan cho biết, đăng ký khai sinh và khai tử là rất quan trọng để đảm bảo quyền và sự bảo vệ dành cho các cá nhân, cũng như cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những dữ liệu nhằm định hướng xây dựng chính sách để nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân. Củng cố khung pháp lý của hệ thống ĐK&TKHT tại Việt Nam là một bước đi hết sức quan trọng để đạt được các chỉ tiêu trong Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc hướng tới đăng ký khai sinh toàn dân và tỷ lệ đăng ký khai tử đạt 80% vào năm 2030.
Trong giai đoạn 1, chương trình đã hỗ trợ nâng cao chất lượng đăng ký khai sinh và khai tử thông qua tăng cường quản trị ĐK&TKHT, đánh giá hoạt động của hệ thống ĐK&TKHT, tiến hành rà soát các văn bản pháp lý liên quan đến ĐK&TKHT và thiết kế quy trình cải tiến đăng ký khai sinh, khai tử và thống kê hộ tịch khác.
Giai đoạn 2 của chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác quản trị và hoàn thiện khung pháp lý về ĐK&TKHT; áp dụng các giải pháp số hóa nhằm cải thiện quy trình ĐK&TKHT và nâng cao năng lực; đồng thời tăng cường sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc chia sẻ dữ liệu ĐK&TKHT phục vụ công tác xây dựng chính sách. Chương trình cũng sẽ thí điểm mô hình sáng tạo liên thông đăng ký khai sinh và khai tử trước khi nhân rộng ra toàn quốc.
Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara. |
Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara nhấn mạnh, thành tựu quan trọng nhất của giai đoạn 1 chính là hỗ trợ để nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác ĐK&TKHT và cải tiến quy trình đăng ký khai sinh, khai tử, báo sinh và báo tử theo hướng tinh gọn, hiện đại.
Bà cho biết, UNFPA rất hân hạnh được hợp tác với Tổ chức Vital Strategies trong khuôn khổ Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe của Quỹ Bloomberg Philanthropies để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết trong Tuyên bố Hội nghị Bộ trưởng châu Á - Thái Bình Dương và Khung hành động châu Á - Thái Bình Dương về ĐK&TKHT giai đoạn 2015-2024
“UNFPA tin tưởng rằng hệ thống ĐK&TKHT hoạt động tốt sẽ góp phần bảo đảm các quyền lợi xã hội của mỗi cá nhân, bao gồm quyền lợi về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thừa kế tài sản và quyền bầu cử cùng các quyền lợi khác. Một cơ chế đăng ký hộ tịch tinh gọn xuyên suốt cuộc đời đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ, tạo nên một khung hành động nhằm giải quyết bất bình đẳng giới”, bà Naomi bày tỏ.
Nêu bật tầm quan trọng của giai đoạn hai của chương trình, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho biết, việc ký kết văn kiện hợp tác cho giai đoạn 2 (7/2021 - 3/2023) giữa UNFPA và Vital Strategies nhằm hỗ trợ Việt Nam (Bộ Tư pháp) thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về ĐK&TKHT là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Qua đó góp phần vào việc hoàn thiện khung pháp lý và cải tiến quy trình ĐK&TKHT theo hướng hiện đại, đẩy mạnh truyền thông sáng tạo và tăng cường sự phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương.
“Sự liên thông kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành - nhất là dữ liệu về sinh, tử - không chỉ phục vụ xây dựng chính sách của các bộ, ngành, địa phương mà còn trực tiếp phục vụ công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”, ông Khanh nhấn mạnh.
Việt Nam đang thực hiện Chương trình hành động quốc gia về ĐK&TKHT giai đoạn 2017-2024. Đẩy mạnh quy trình ĐK&TKHT cũng như xây dựng và duy trì dữ liệu có chất lượng về đăng ký khai sinh, khai tử, bao gồm cả nguyên nhân tử vong, sẽ là cơ sở để các quốc gia công nhận và đảm bảo quyền công dân, lập kế hoạch và ngân sách nhằm xây dựng các chính sách hiệu quả về y tế, bảo trợ xã hội, giáo dục, dân số và quyền con người ở cấp Trung ương và địa phương, đồng thời đo lường tác động của các chương trình và dự án công.