Cơ hội giúp nhiều người thoát nghèo
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm số tiền người lao động (NLĐ) làm việc ở nước ngoài được trả theo hợp đồng đạt từ 6.800 - 7.000 tỷ đồng. Trong đó, số ngoại tệ gửi về nước trên 4.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, Hà Tĩnh phấn đấu mỗi năm đưa khoảng 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh các thị trường truyền thống, sẽ mở rộng thị trường, hướng tới các nước như: Đức, Nga, Australia, Israel và một số nước châu Âu khác.
Tại nhiều vùng nông thôn ở Thái Bình, không ít thanh niên trẻ lựa chọn con đường xuất khẩu lao động để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 16.000 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tính riêng năm 2023, toàn tỉnh có trên 3.000 lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình) cho biết, xuất khẩu lao động cho thấy hiệu quả rõ rệt về kinh tế và xã hội. NLĐ làm việc ở nước ngoài với môi trường, điều kiện làm việc và thu nhập khá ổn định với mức thu nhập bình quân từ 30 đến 35 triệu đồng/tháng (riêng thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản có mức thu nhập cao hơn). Thống kê hàng năm ngoại hối nước ngoài gửi về tỉnh qua hệ thống các ngân hàng thương mại khoảng trên 83 triệu USD (tương đương 1.992 tỷ đồng Việt Nam).
Theo chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, hàng năm tỉnh Thái Bình phấn đấu tạo việc làm mới cho 33.000 - 34.500 lao động, trong đó đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 3.000 lao động trở lên. Do vậy, thời gian qua chính quyền các cấp, các ngành tỉnh Thái Bình luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh các hoạt động đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, đồng thời phát triển các thị trường lao động truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài nhiều năm qua là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước. Hiện cũng có rất nhiều địa phương trên cả nước thúc đẩy việc đưa NLĐ làm việc tại nước ngoài. Chủ trương này không những giải quyết việc làm cho người dân mà còn góp phần vào mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là lao động đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh đã giải quyết được bài toán đào tạo nghề, việc làm, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân miền núi.
Năm 2023, Việt Nam đưa được hơn 159 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 33,3% kế hoạch năm. Đây là số lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất trong hơn 10 năm qua. Năm nay, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa 125 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trọng tâm hướng tới các thị trường có thu nhập cao, ổn định. Đáng chú ý, nhu cầu về nguồn nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức tiếp tục gia tăng là các yếu tố thuận lợi, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện các chương trình trong năm nay và các năm tiếp theo. Cùng với đó, tập trung ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động
Dù kết quả đạt được là tích cực, song việc lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đang tồn tại nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng vi phạm hợp đồng (bỏ trốn) và cư trú bất hợp pháp tại các nước, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là để ở lại nước ngoài làm việc lâu hơn, có thu nhập cao hơn so với làm việc theo hợp đồng.
Trước tình trạng đó, năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã phải ra thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 năm 2023 đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh, do vẫn không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.
Không chỉ vậy, theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, cũng như đưa ra những cảnh báo về tình trạng và hoạt động lừa đảo của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này nhưng vẫn nhận được thông tin từ NLĐ, các cơ quan công an, các địa phương... về việc có nhiều NLĐ bị lừa đảo bằng các hình thức, thủ đoạn khác nhau.
Tình trạng lừa đảo đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài qua con đường không hợp thức chủ yếu diễn ra đối với thị trường Hàn Quốc và một số thị trường khác có mức lương cao, các điều kiện việc làm, ăn ở và thu nhập hấp dẫn như Singapore, Australia, Mỹ, Canada...
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, để tránh bị lừa đảo, NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không tin vào các thông tin mời chào, hứa hẹn về việc làm trên các website, Facebook, Zalo… không chính thống và tuyệt đối không giao dịch, liên hệ với các tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa NLĐ động đi làm việc ở nước ngoài.
NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cần chủ động tìm hiểu kỹ quy định pháp luật trong lĩnh vực NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tìm hiểu thông tin có liên quan về đơn hàng tuyển dụng lao động, lĩnh vực ngành nghề, yêu cầu đối với NLĐ về trình độ tay nghề, ngoại ngữ cũng như chi phí phải nộp theo đúng quy định của pháp luật. NLĐ có thể tra cứu thông tin về doanh nghiệp có giấy phép tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn.