Những con số đáng lo ngại
Năm 2023, dư luận từng xôn xao trước thông tin 6 công nhân tử vong do bệnh bụi phổi làm việc tại Công ty Châu Tiến đóng ở Khu công nghiệp Nam Cấm (xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Sau khi vụ việc diễn ra, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 100 người lao động từng làm việc tại doanh nghiệp này. Kết quả cho thấy, có 62 lao động đã và đang làm việc tại Công ty Châu Tiến mắc bệnh bụi phổi silic. Cùng với 6 người tử vong liên quan đến bệnh trên còn có 19 lao động mắc bệnh bụi phổi silic nặng, 25 người mức độ mắc bệnh trung bình, 13 người mức độ tổn thương trên phổi cần theo dõi và 20 trường hợp khám đợt 3 chưa có kết quả.
Mới đây, đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có báo cáo kết quả sau khi trực tiếp về làm việc tại Công ty Châu Tiến. Qua kiểm tra, đoàn công tác đã chỉ ra nhiều vấn đề sai phạm cũng như nhiều bất cập, lỗ hổng trong công tác quản lý về bảo đảm an toàn lao động tại Công ty này. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Châu Tiến đã chi trả bồi thường cho thân nhân của 5 công nhân tử vong do bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp. Bên cạnh đó, hàng chục công nhân khác từng làm việc tại Công ty này được xác định mắc bệnh bụi phổi silic hiện đang được các cơ quan chức năng đưa đi giám định thương tật để hưởng các chế độ.
Qua sự việc trên có thể thấy còn nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp, đặc biệt trong các cơ sở lao động vừa, nhỏ và các ngành nghề có nguy cơ cao như khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, sử dụng hóa chất, khai thác mỏ...
Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Về bệnh nghề nghiệp, năm 2023 đã khám, phát hiện 696 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,1% số người được khám. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2023 là 600 người. Những con số đáng báo động cho thấy thực trạng số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.
Khó khăn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động
Theo Bộ Y tế, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động có xu hướng gia tăng, đáng chú ý, những tai nạn nghiêm trọng xảy ra đã gây tổn thất về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho người lao động, hệ thống an sinh xã hội.
Tại buổi họp trao đổi, thông tin với báo chí tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2023 cũng như Lễ phát động Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024 diễn ra mới đây, bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng công tác an toàn, vệ sinh lao động tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn một số tồn tại.
Theo bà Hạnh, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện công tác an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.
Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động. Dự báo với bối cảnh những khó khăn, những thách thức, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ gia tăng hiện hữu.
Trước thực trạng trên, ngày 19/03/2024, Bộ Y tế ban hành Công văn 1275/BYT-MT về việc tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Công văn được đưa ra nhằm tăng cường bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động và phòng, chống hiệu quả bệnh nghề nghiệp đặc biệt trong khu vực lao động tiếp xúc với yếu tố có hại, nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp.
Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, không chỉ giúp chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiệp; hạn chế tai nạn lao động mà còn là yếu tố quyết định thành công và phát triển bền vững hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi cơ sở, doanh nghiệp.
Báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế về hoạt động y tế lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp năm 2023 của 60/63 tỉnh/thành phố cho thấy, có gần 2,48 triệu người lao động được khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt, số người lao động đạt sức khoẻ tốt chiếm 70,5%. Có 46/63 tỉnh/thành phố tổ chức khám phát hiện 34/35 loại bệnh nghề nghiệp, có 7/35 loại bệnh nghề nghiệp được chẩn đoán mới mắc gồm: bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh bụi phổi than nghề nghiệp, bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, bệnh sạm da nghề nghiệp, bệnh lao nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân và bệnh COVID-19 nghề nghiệp. Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động (1/5 - 31/5) năm nay sẽ được chính thức phát động vào ngày 26/4/2022, cùng với Tháng Công nhân. Chủ đề Tháng Hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 là “Tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.