Đẩy mạnh hỗ trợ giúp các bà mẹ 'làm mẹ an toàn'

(PLVN) - “Làm mẹ an toàn” là nội dung được đề cập đầu tiên trong chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, vì trên hết, đây là các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tối thiểu tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.
Tuần lễ “Làm mẹ an toàn” sẽ diễn ra tại 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. (Nguồn: TTXVN)
Tuần lễ “Làm mẹ an toàn” sẽ diễn ra tại 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. (Nguồn: TTXVN)

Chính vì vậy, các nội dung giáo dục “làm mẹ an toàn” đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nước quan tâm, trong đó có Việt Nam và ngày càng trở thành nội dung quan trọng của chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Mẹ đi làm con vẫn được bú sữa

Ích lợi của việc nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, sau đó tiếp tục cho trẻ bú mẹ kèm ăn bổ sung thích hợp cho trẻ đến 2 tuổi hoặc hơn thế nữa là vấn đề đã được truyền thông đề cập nhiều. Tuy nhiên, vì các điều kiện khách quan, chủ quan mà không ít bà mẹ không thể nuôi con bằng sữa mẹ. Từ thực tế này, WHO thường xuyên khuyến khích cần có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, cải thiện tình trạng hiện tại để giúp các bà mẹ có cơ hội nuôi con bằng sữa mẹ.

Tại Việt Nam, ở góc độ pháp luật, Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn như Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động đã có những quy định rất cụ thể về vấn đề này, đơn cử như khoản 5 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định: “Khuyến khích các doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Đối với các doanh nghiệp có từ 1.000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”.

Triển khai nội dung này, việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp luôn các tổ chức Công đoàn quan tâm. Đơn cử như các cấp Công đoàn Dệt may Việt Nam với số lượng đoàn viên nữ chiếm trên 70% tổng số đoàn viên Công đoàn, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, hiệu quả cho chị em. Trong đó có nâng cao hiệu quả phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp.

Theo thống kê, hiện nay, hệ thống Dệt may Việt Nam có 21 doanh nghiệp sử dụng từ 500 - 1.000 lao động nữ; 22 doanh nghiệp có từ 1.000 lao động nữ trở lên. Từ sự quan tâm, chăm lo cho lao động nữ của Công đoàn cũng như doanh nghiệp, đã có 20 doanh nghiệp lắp đặt được 34 phòng vắt trữ sữa mẹ đạt tiêu chuẩn. Đối với những đơn vị khác chưa trang bị được phòng vắt, trữ sữa độc lập thì việc tuyên truyền, vận động nữ công nhân lao động đang nuôi con nhỏ tự trang bị máy hút, bình trữ sữa cá nhân được chú trọng. Về phía doanh nghiệp đã trang bị các thiết bị thiết yếu như tủ lạnh, điều hòa, bồn rửa tay, sách hướng dẫn… tại phòng y tế của doanh nghiệp. Cán bộ y tế hướng dẫn nữ công nhân lao động khi có nhu cầu vắt và bảo quản nguồn sữa sạch...

Nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ và bà mẹ

Năm 2023, Tuần lễ “Làm mẹ an toàn” sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 7/10 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhằm tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ về làm mẹ an toàn (chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh) cho người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Tuần lễ “Làm mẹ an toàn” năm 2023 đề ra chỉ tiêu, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn; cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn; vận động, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là các cơ quan tuyên truyền ở cấp huyện, xã đều có tin, bài về làm mẹ an toàn.

Tại Hội nghị triển khai Tuần lễ “Làm mẹ an toàn” năm 2023 và Tuần lễ “Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ” trước đó, ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Ước tính của Liên Hợp quốc, năm 2021, cứ 1.000 trẻ sinh ra ở Việt Nam thì có gần 10 trẻ sơ sinh tử vong. Vì thế, mỗi ngày Việt Nam có 39 trẻ sơ sinh tử vong. Không chỉ tử vong sơ sinh ở mức cao, mà chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9/1.000, dưới 1 tuổi là 12,1/1.000 (nghĩa là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi và 1 tuổi thì lần lượt có khoảng 19 và 12 trẻ tử vong). Trong khi đó, ở các nước Đông Nam Á là Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8/1.000. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1 - 2/1.000...

Đề cập đến nguyên nhân, báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em cho thấy, nổi cộm là vấn đề thiếu trầm trọng nhân lực. Cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức rất thiếu và có tới 30% bác sĩ đa khoa đang làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tuyến huyện. Đặc biệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, năng lực cấp cứu sản khoa, sơ sinh còn hạn chế ở vùng khó khăn. Công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn, bản gặp khó khăn do không còn được hưởng trợ cấp như trước đây, gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nhận thức, hành vi của người dân về chăm sóc thai và sinh đẻ an toàn còn hạn chế.

Theo ông Trần Đăng Khoa, để giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, Bộ Y tế đang tích cực triển khai các giải pháp can thiệp, chăm sóc bà mẹ trước khi sinh, theo dõi, quản lý thai nghén ít nhất 4 lần. Nếu được khám, quản lý thai sẽ hạn chế được các tai biến, nguy cơ xảy ra trong quá trình mang thai, giúp giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh... Ngoài ra, tăng cường giáo dục dinh dưỡng, tập huấn, đào tạo, chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Đứa trẻ từ trong bụng mẹ được chăm sóc dinh dưỡng tốt, dinh dưỡng tốt trong thai kỳ sẽ giảm nguy cơ ốm yếu, giảm nguy cơ tử vong...

Đọc thêm