Đẩy mạnh khám sức khỏe tiền hôn nhân tại TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, công tác dân số của TP HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có việc triển khai hiệu quả chương trình khám sức khỏe trước khi kết hôn. Tuy nhiên, thành phố còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm để nâng cao chất lượng dân số.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước chuẩn bị quan trọng cho một cuộc hôn nhân khỏe mạnh, hạnh phúc bền vững. (Nguồn: Hello bacsi)
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước chuẩn bị quan trọng cho một cuộc hôn nhân khỏe mạnh, hạnh phúc bền vững. (Nguồn: Hello bacsi)

Nhiều người chưa quan tâm khám sức khỏe tiền hôn nhân

Chị Nguyễn Tú Anh (27 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP HCM) và anh Lê Hoàng Tuấn (29 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đã chuẩn bị sẵn sàng cho đám cưới vào gần Tết Nguyên đán năm nay. Anh chị đã chụp ảnh cưới, đặt xong thiệp mời, đặt nhà hàng và chọn món ăn đầy đủ, lên cả kế hoạch đi tuần trăng mật. Nhưng khi được hỏi về khám sức khỏe tiền hôn nhân, cả hai đều cho biết chưa khám và cũng “không quan tâm đến”. Theo quan điểm của hai vợ chồng sắp cưới, họ đều là những người trẻ, vẫn ăn ngon, ngủ ngon, không có vấn đề gì về sức khỏe. Cả hai cũng tự tin rằng mình sẽ dễ dàng có con, con cái khỏe mạnh sau khi cưới, nên không việc gì phải tốn tiền cho việc đi kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân.

Thực tế, hiện nay nhiều người vẫn có quan điểm như cặp đôi sắp cưới trên, coi việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là vô ích, tốn kém. Thống kê sơ bộ tại các bệnh viện, tỷ lệ cặp đôi đến để khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng khá thấp. Nếu có, đa phần các cặp đôi đến khám một số hạng mục như siêu âm buồng trứng, chất lượng tinh trùng... Phần nhiều trong số đó là chị em phụ nữ đến khám các bệnh về phụ khoa, còn với mục đích khám sâu về gen và các bệnh di truyền thì không nhiều.

Vừa qua, trong phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP HCM, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa ra đề xuất nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Đề xuất này đã gây ra một số tranh luận trong dư luận xoay quanh việc có cần và có nên bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân hay không. Tuy mỗi người một quan điểm, nhưng không thể phủ nhận rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân là bước chuẩn bị cực kì quan trọng cho hôn nhân.

Ông Nguyễn Tri Thức chia sẻ rằng khám sức khỏe tiền hôn nhân là cần thiết nhằm sớm phát hiện các bệnh lý như viêm gan B, C, giang mai, đặc biệt là bệnh di truyền, bệnh tim. Bản thân ông từng chứng kiến nhiều trường hợp đến khi đi sinh người phụ nữ mới biết mình bị hẹp van tim, suy tim, suy thận nặng. Có trường hợp khi vào sinh bị suy tim cấp, khiến bác sĩ rất đau xót phải đưa ra quyết định cứu mẹ hay cứu con. Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, những hậu quả đáng buồn này hoàn toàn có thể tránh được nếu các cặp đôi khám kiểm tra trước hôn nhân. Chính vì thế, theo bác sĩ Thức, khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ hoặc người chồng và trách nhiệm tương lai cũng như thế hệ sau.

Nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng dân số

Vài năm gần đây, tỉ lệ lựa chọn khám sức khỏe tiền hôn nhân đã có dấu hiệu tăng nhờ sự tuyên truyền tích cực của cơ quan chức năng. Thống kê của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP HCM năm 2022 ghi nhận 950 cặp đôi khám sức khỏe tiền hôn nhân trong tổng số 1.900 cặp dự định kết hôn.

Tại Hội nghị kỷ niệm 62 năm Ngày Dân số Việt Nam (26/12), do Sở Y tế TP HCM tổ chức mới đây, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, trong những năm gần đây, công tác dân số của thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: không ngừng nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời thông qua việc triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Tuy nhiên, so với mức độ cần thiết, cũng như so với nhiều quốc gia khác ở tầm phát triển tương tự, con số này vẫn còn khá khiêm tốn.

Thời gian tới, Sở Y tế TP HCM sẽ giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, các cơ sở y tế có cung cấp các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực dân số cần tập trung triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời, mở rộng phạm vi thực hiện chương trình tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Cũng tại Hội nghị, Tiến sỹ Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng phụ trách quản lý, điều hành Cục Dân số - Bộ Y tế đề nghị, trong thời gian tới, công tác dân số của TP HCM cần tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố; đặc biệt là chất lượng dân số đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Thành phố cần đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đến các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện một cách thuận tiện, gần dân.

Mục tiêu Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 có đưa ra tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%. Mục tiêu này nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng dân số Việt Nam. Từ đó cho thấy, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ là cần thiết mà còn rất quan trọng và không thể thiếu trong các bước chuẩn bị để tiến đến hôn nhân của các cặp đôi. Đó là sự chuẩn bị để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, khỏe mạnh và bền vững, cũng là trách nhiệm với xã hội, với sự phát triển của đất nước, với các thế hệ mai sau.