Đẩy mạnh nghiên cứu gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép

(PLO) - Đây là một trong những kiến nghị của nhóm chuyên gia do Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn làm trưởng nhóm để bảo đảm thực hiện Quyết định số 605/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Những nạn nhân của tội phạm đưa người di cư trái phép. Ảnh minh họa.
Những nạn nhân của tội phạm đưa người di cư trái phép. Ảnh minh họa.

Việt Nam không miễn trừ trách nhiệm hình sự với người di cư trái phép

Nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm đưa người di cư trái phép (NDCTP), cộng đồng quốc tế đã nỗ lực xây dựng Nghị định thư về chống đưa NDCTP bằng đường bộ, đường biển và đường không (gọi tắt là NĐT), bổ sung cho Công ước Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Công tác đấu tranh với tội phạm đưa NDCTP đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa các quốc gia, mà một trong những yếu tố bảo đảm thuận lợi trong công tác này chính là sự hài hòa, tương thích giữa pháp luật quốc gia và quốc tế.

Qua nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam trên tinh thần NĐT, nhóm chuyên gia nhận thấy chính sách và pháp luật Việt Nam hiện hành nhìn chung phù hợp với các quy định của NĐT. Điều đó thể hiện ở các quy định về các biện pháp quản lý biên giới, bảo đảm an ninh và kiểm soát giấy tờ cùng các biện pháp phòng ngừa khác; biện pháp chống đưa NDCTP bằng đường biển; hình sự hóa hành vi đưa NDCTP; bảo vệ và hồi hương người là đối tượng của tội phạm đưa NDCTP; hợp tác quốc tế trong phòng, chống đưa NDCTP.

Tuy nhiên, các quy định còn nằm rải rác, tản mạn ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chưa tạo thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, định hướng cho công tác phòng, chống đưa NDCTP. Không những thế, hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn tồn tại một số điểm chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của NĐT như pháp luật Việt Nam chưa có một định nghĩa hay khái niệm chính thức về “đưa NDCTP”; chưa quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam trong hợp tác quốc tế về bắt giữ tàu biển có liên quan đến hành vi tổ chức đưa NDCTP; chưa có quy định hồi hương với người được phép thường trú tại Việt Nam ở thời điểm họ bị đưa đi di cư trái phép đến quốc gia khác hoặc ở thời điểm họ được tiếp nhận về Việt Nam...

Đáng chú ý, theo Điều 5 NĐT, người di cư sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì họ là đối tượng của hành vi đưa NDCTP. Nhưng pháp luật Việt Nam lại không có quy định miễn trừ trách nhiệm đối với NDCTP, nhất là do bị cưỡng ép. Về nguyên tắc, NDCTP vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Ngoài ra, những biện pháp bảo vệ nạn nhân của tội phạm đưa NDCTP tuy đã được Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định song chưa chi tiết cho từng đối tượng, đặc biệt là đối tượng cần bảo vệ như người chưa thành niên, phụ nữ.

5 vấn đề cần hoàn thiện của hệ thống pháp luật Việt Nam 

Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố bảo đảm thuận lợi cho việc hợp tác giữa các quốc gia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm đưa NDCTP nói riêng là sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia và pháp luật khu vực, quốc tế. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp luật của Việt Nam về phòng chống đưa NDCTP nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong công tác này. Theo đó, nhóm chuyên gia đề xuất nghiên cứu ban hành một đạo luật quy định tập trung, thống nhất, đồng bộ những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho công tác phòng, chống đưa NDCTP.

Trong khi chưa ban hành một đạo luật riêng về phòng, chống đưa NDCTP thì Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này trên tinh thần của NĐT. Trong đó, cần ưu tiên tập trung vào một số vấn đề sau: định nghĩa được khái niệm “đưa NDCTP” cũng như tội phạm đưa NDCTP; chính sách xử lý với người là đối tượng của tội phạm đưa NDCTP tự nguyện hồi hương, nhất là trong trường hợp họ bị cưỡng ép di cư trái phép; vấn đề hồi hương nạn nhân của tội phạm đưa NDCTP, nhất là đối với người được phép thường trú ở Việt Nam tại thời điểm họ bị đưa đi hoặc thời điểm họ được tiếp nhận về Việt Nam; cơ chế bảo đảm thực thi các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 liên quan đến bảo vệ người tố giác tội phạm, người bị hại, người làm chứng và người thân thích của họ, trong đó có nạn nhân bị đưa đi di cư trái phép, đặc biệt là đối tượng trẻ em và phụ nữ; hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam trong hợp tác quốc tế về bắt giữ tàu biển liên quan đến hành vi tổ chức đưa NDCTP.

Cũng theo nhóm chuyên gia, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về phòng, chống đưa NDCTP, Việt Nam cần đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu gia nhập NĐT. Bởi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt được xác định tại Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 605/QĐ-TTg.

Đọc thêm