Đẩy mạnh phát triển dữ liệu số

(PLVN) - Năm 2023 được xác định là năm phát triển dữ liệu số (DLS) trong Bộ Quốc phòng (BQP). Đề án Chuyển đổi số (CĐS) trong BQP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thường vụ Quân ủy Trung ương thông qua vào tháng 8/2023 tạo cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển DLS trong BQP.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh và các đại biểu tham quan ứng dụng phát triển dữ liệu số tại khu kỹ thuật Lữ đoàn 201, Binh chủng Tăng - Thiết giáp. (Ảnh: Lam Hạnh)
Thượng tướng Lê Huy Vịnh và các đại biểu tham quan ứng dụng phát triển dữ liệu số tại khu kỹ thuật Lữ đoàn 201, Binh chủng Tăng - Thiết giáp. (Ảnh: Lam Hạnh)

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi

DLS được coi là nguồn tài nguyên mới của mỗi tổ chức, mỗi quốc gia. Quân đội các nước trên thế giới đã và đang xây dựng chiến lược phát triển DLS, nền tảng DLS, được sử dụng để phục vụ công tác quản lý, điều hành, chỉ huy. Quân đội nhân dân Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó; một số quân chủng, binh chủng, một số ngành đã tạo lập được nguồn DLS rất có giá trị, giúp người chỉ huy ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn, quản lý toàn diện hơn, hiệu quả hơn theo thời gian thực.

Đối với vấn đề phát triển, ứng dụng DLS trong BQP, thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực như: Dữ liệu chuyên ngành đã và đang được xây dựng và phát huy hiệu quả trong công tác quản lý nghiệp vụ tại một số ngành: Tài chính, cán bộ, quân y, bảo hiểm... Dữ liệu của các hệ thống tự động hóa chỉ huy tại một số đơn vị đã đáp ứng tốt công tác quản lý, chỉ huy, điều hành phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Đặc biệt, trong năm 2023, BQP đã tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm có tính cốt lõi như: Ban hành danh mục cơ sở dữ liệu trong BQP; nghiên cứu, xây dựng danh mục mã định danh điện tử các ngành quân lực, hậu cần, kỹ thuật. Đây là cơ sở để xây dựng dữ liệu gốc, mang tính chất nền tảng để phục vụ công tác quản lý của mỗi cơ quan, đơn vị.

Trong phương hướng, mục tiêu CĐS công tác hậu cần quân đội, Tổng cục Hậu cần xác định, giai đoạn 2024 - 2025 cơ bản hình thành tác phong làm việc trên môi trường điện tử dựa trên các ứng dụng, công nghệ và DLS. Tất cả hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính của ngành hậu cần được số hóa, lưu trữ, sẵn sàng chia sẻ dữ liệu theo quy định trên môi trường điện tử. 100% nguồn lực thuộc ngành hậu cần được tạo lập hồ sơ điện tử và cấp định danh số thống nhất.

Nếu như trước đây các kho xăng dầu, ngành xăng dầu làm báo cáo theo tháng, thì hiện nay đã được cập nhật hằng ngày, hằng tuần. Công tác cập nhật hồ sơ, dữ liệu điện tử giúp việc quản lý số lượng, chất lượng xăng dầu toàn quân trở nên khoa học, chính xác, nhanh chóng. Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tại vị trí Trung tâm thông tin và chỉ huy điều hành của Tổng cục có thể kiểm tra được số lượng, chiến lược dự trữ tại các kho xăng dầu chiến lược, để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Tạo đột phá về phát triển dữ liệu số trong thời gian tới

Tại Hội thảo Phát triển DLS trong BQP mới đây, các tham luận tập trung làm rõ 5 nhóm vấn đề: Chiến lược, định hướng phát triển DLS trên thế giới và Việt Nam; phát triển, ứng dụng DLS trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin trong phát triển DLS; hạ tầng, công nghệ phục vụ quản lý, xử lý DLS; phát triển nguồn nhân lực DLS trong Quân đội.

Đến nay, trong BQP đã cơ bản hình thành đầy đủ hệ thống DLS phục vụ công tác quản lý các ngành với mô hình triển khai và công nghệ tương đối đa dạng. Tuy nhiên, có một số “điểm nghẽn” lớn cần tháo gỡ như: các cơ quan chủ quản DLS chưa sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu, sức mạnh dữ liệu chưa được giải phóng. Các trung tâm dữ liệu của các cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực lưu trữ, xử lý, băng thông để triển khai các nền tảng công nghệ tiên tiến; cơ sở dữ liệu lớn phục vụ CĐS và tự động hóa chỉ huy.

Thực trạng đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải quy hoạch, tổ chức DLS, trung tâm dữ liệu trong BQP nhằm thống nhất quản lý, thúc đẩy phát triển dữ liệu phục vụ CĐS.

Định hướng phát triển DLS trong BQP thời gian tới, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và CĐS trong BQP yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải tiên phong gương mẫu trong việc sử dụng DLS để quản lý, chỉ đạo, điều hành; chỉ đạo tạo đột phá về phát triển DLS, làm giàu DLS của cơ quan, đơn vị mình, ngành, lĩnh vực mình nói riêng, của BQP nói chung.

Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ tại đề án CĐS trong BQP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 căn cứ vào kế hoạch thực hiện đề án của Bộ và danh mục cơ sở dữ liệu trong BQP mới được ban hành, để xây dựng kế hoạch triển khai tại cơ quan, đơn vị mình, phân công cụ thể người phụ trách, phân bổ nguồn lực, tổ chức thực hiện thực chất, hiệu quả.

Đọc thêm