Sáng 4/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phiên họp này đánh giá lại kết quả tháng 3 và nhìn lại quý I/2022. Đánh giá tình hình trên thế giới, Thủ tướng cho biết, tình hình chính trị không ổn định, xung đột giữa Nga và Ukraine, cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt, giá nguyên liệu đầu vào và lạm phát nhiều nước tăng cao; khan hiếm các nguyên liệu, giá xăng dầu tác động lớn...
Trong nước, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm chủng virus mới, tuy nhiên chúng ta đã kiểm soát được tình hình. Giá nguyên liệu trên thế giới, nhất là giá xăng dầu thế giới tăng cao, lạm phát ở nhiều nước gây áp lực cho nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh trong nước.
Trong quý I, Việt Nam tiếp tục giải quyết các vấn đề thường xuyên, tồn đọng; giải quyết các tác động khủng hoảng ở Ukraine; giải quyết các vấn đề Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành về phục hồi và phát triển kinh tế; những vấn đề nổi lên như mưa lũ ở miền Trung bất thường, ngoài ra tác động liên quan năng lượng, điện... Trong tháng qua, chúng ta đã triển khai mở cửa du lịch từ 15/3 và mở cửa trường học...
Mặc dù tình hình diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của nhân dân, doanh nghiệp, kinh tế-xã hội có kết quả tích cực, không bỏ lỡ xu thế chung của thế giới. Sự phục hồi kinh tế-xã hội có tín hiệu tích cực thể hiện qua mức tăng trưởng (GDP quý I đạt hơn 5%), chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường tiền tệ, tài chính ổn định. Các cân đối lớn được bảo đảm như thu chi, xuất nhập khẩu, năng lượng, điện, thị trường lao động...; tiếp tục bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội , giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lòng tin của nhân dân, bạn bè quốc tế, nhà đầu tư được tăng lên...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Thủ tướng yêu cầu, phải nghiêm túc đánh giá những vấn đề như giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; một số nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội chưa được triển khai kịp thời; thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; trong việc tiêm chủng vaccine còn tâm lý chủ quan, việc tiêm chủng chưa đạt tiến độ như mong muốn; việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi chưa được suôn sẻ…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị triển khai mọi biện pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bám sát diễn biến trong và ngoài nước để đảm bảo 5 cân đối lớn. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cùng các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để thực hiện mục tiêu này.
Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyết liệt giải quyết các tồn đọng kéo dài. Kiên trì, kiên quyết thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả và thực chất vì mục tiêu giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tập trung các giải pháp tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, dứt khoát không để manh mún, chia cắt, kéo dài. Quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Đẩy nhanh công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch.
Hoan nghênh Bộ Công an vừa qua đã vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, Thủ tướng đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản; đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung.