Đẩy mạnh phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam

(PLVN) -Ngày 22/7, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP và Chính phủ Anh, Quỹ Fair Builz tổ chức Hội thảo tham vấn Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; bà Sitara Syed - Phó Trưởng Đại diện Thường trực UNDP . 
Đẩy mạnh phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam

Tích cực giải quyết tranh chấp 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh sự gia tăng của các cam kết đầu tư quốc tế như một xu thế tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh mâu thuẫn, bất đồng về hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế ngày càng gia tăng, việc phòng ngừa tranh chấp và làm sao để ngăn ngừa phát sinh tranh chấp ngay từ đầu là một vấn đề quan trọng, đã và đang thu hút sự quan tâm của Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.

 

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Tư pháp với vai trò là đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cũng đang tích cực tham gia đàm phán các quy tắc thủ tục điều chỉnh vấn đề giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (ISDS). Gần đây nhất, Việt Nam đã ban hành Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế thay thế Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg để tăng cường quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giải quyết hiệu quả tranh chấp đầu tư quốc tế ở Việt Nam trong bối cảnh số lượng các vụ nhà đầu tư có vướng mắc, khiếu kiện ngày càng gia tăng. 

 

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Hội thảo ngoài việc thu thập các ý kiến góp ý cho Báo cáo nghiên cứu, còn thu thập được nhiều thông tin thực tiễn của các Bộ, ngành, địa phương cũng như kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng  của các chuyên gia pháp lý, luật sư, trọng tài viên để nâng cao hiệu quả tối đa của công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. 

Trình bày tóm tắt về Dự thảo Báo cáo nghiên cứu của chuyên gia UNDP, Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng luật sư IDVN, Chuyên gia UNDP cho biết, sau 05 năm thực hiện Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg, công tác giải quyết các vụ ISDS đã đạt được một số thành tựu nổi bật. Cụ thể như, nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương có sự thay đổi đáng kể theo hướng tích cực, quan tâm cập nhật thường xuyên hơn tình hình quốc tế và chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ tham gia công tác giải quyết tranh chấp quốc tế. 

Không những thế, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đã từng bước đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả trong xử lý các vụ kiện đầu tư quốc tế. Đặc biệt, Bộ Tư pháp – với vai trò là cơ quan chủ trì trong hầu hết các vụ ISDS gần đây và là cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ, đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và luật sư đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia và giành thắng lợi, cũng như hòa giải thành tại một số vụ kiện nhất định. Nên có cơ chế mềm để sử dụng luật sư

Để nâng cao tính hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, bà Tuyết cho rằng cần hoàn thiện pháp luật; chú trọng công tác phòng ngừa tranh chấp, giải quyết tốt các vấn đề pháp lý trong hoạt động đầu tư nước ngoài ngay từ trong quá trình đăng ký đầu tư, thực hiện dự án cho đến giai đoạn giải quyết khiếu nại. Tăng cường công tác thông tin, phối hợp trong phòng ngừa tranh chấp; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết tranh chấp…

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Trung Nam, Luật sư Văn phòng Luật EPLEGAL cho rằng hòa giải trong tranh chấp đầu tư quốc tế là một vấn đề rất quan trọng, tuy nhiên lại không nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan Việt Nam do trên thực tế, việc xây dựng phương án hòa giải gặp nhiều khó khăn vì chưa có cơ sở pháp lý cho việc tính toán và đưa ra phương án hòa giải trong từng trường hợp cụ thể. 

Liên quan đến vấn đề lựa chọn luật sư và một số vấn đề về việc lựa chọn chiến lược, ông Nam cho rằng ngay khi có thông tin biết mình có khả năng bị kiện, phải lựa chọn luật sư và xây dựng chiến lược trước khi nhận được đơn kiện. Bởi lẽ đơn vị nào càng lên chiến lược sớm thì càng có nhiều lợi thế hơn. Ông cũng nhấn mạnh, việc lựa chọn luật sư cũng như xây dựng chiến lược vụ kiện khi nhận được đơn kiện tranh chấp đầu tư là quá trễ. 

Luật sư Trần Tuấn Phong, Công ty Luật VILAF nêu ý kiến rằng Chính phủ cũng là một đơn vị sử dụng dịch vụ pháp lý, do đó luật sư, đứng từ góc độ tư vấn phải hiểu rõ người sử dụng pháp lý cũng như hiểu rõ quy trình, thủ tục bên phía người sử dụng. Qua đó, ông Phong đưa ra câu hỏi nếu quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam muốn giải quyết vấn đề từ giai đoạn tranh tụng thì phản ứng, hành xử của các cơ quan nhà nước khi giải quyết tranh chấp trước tranh tụng phải xử lý như thế nào?

Đây là vấn đề chưa được quy định rõ trong Quyết định 14, do đó ông Phong đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành nên có cơ chế mềm để sử dụng luật sư. Ngoài ra, ông Phong cũng nêu ý kiến nên lựa chọn những hãng luật kể cả quốc tế hay Việt Nam sẵn sàng đi cùng với Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế để có những cơ chế hỗ trợ cho giai đoạn tiền tố tụng, giảm thiểu rủi ro về tranh chấp khi xảy ra tranh chấp đầu tư quốc tế.  

Đọc thêm