Đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo một nghiên cứu gần đây, chỉ số khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam là 15,5%, trong khi của nam giới là 11,6%. Điều đó cho thấy, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam rất cao, nhưng họ vẫn phải đối mặt với không ít rào cản trong hoạt động khởi nghiệp, xuất phát từ định kiến giới của xã hội.
Hội LHPN Việt Nam đã luôn đồng hành cùng các lực lượng phụ nữ, nhất là phụ nữ ở địa bàn khó khăn, phụ nữ DTTS, miền núi. (Nguồn ảnh: Báo Bắc Giang)
Hội LHPN Việt Nam đã luôn đồng hành cùng các lực lượng phụ nữ, nhất là phụ nữ ở địa bàn khó khăn, phụ nữ DTTS, miền núi. (Nguồn ảnh: Báo Bắc Giang)

Khởi nghiệp để phát huy tài nguyên bản địa

Theo thông tin tại Talkshow “Định kiến giới trong hoạt động khởi nghiệp” vào tháng 9/2023, nếu hỏi 5 người phụ nữ ở Việt Nam thì có 4 người mong muốn khởi nghiệp. Có thể thấy điều đó qua câu chuyện của một người phụ nữ dân tộc Tày là chị Vương Thị Thương, 34 tuổi, sinh ra và lớn lên tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn.

Chị Thương rất trăn trở khi chứng kiến cây hồng vành khuyên là cây chủ lực, đặc sản nổi tiếng của địa phương nhưng người trồng có thu nhập chưa xứng tầm. Vào mùa thu hoạch, quả chín rộ nếu không kịp tiêu thụ thì người dân mất đi nguồn thu nhập đáng kể, chưa kể được mùa lại mất giá khiến người trồng khó khăn bộn bề.

“Cần đưa việc thực hiện các dự án trong chương trình nói chung và dự án đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi nói riêng đi vào thực chất, tích hợp cộng hưởng, góp phần củng cố thêm hiệu quả cũng như chất lượng thực hiện hỗ trợ đầu tư của Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để thực hiện Dự án 8, chúng ta cần tiếp tục nhân lên những câu chuyện điển hình về xóa bỏ định kiến giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, thực hiện tốt bình đẳng giới tại vùng DTTS và miền núi” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Chị Thương quyết tâm nâng tầm giá trị sản vật quê mình. Chị tìm hiểu và học kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến hồng của nhiều nơi, rồi quyết định chọn ứng dụng công nghệ Nhật Bản vào sản xuất. Năm 2021, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, chị đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng. Năm 2022, chị xây dựng quy trình sản xuất sạch, chuẩn VietGAP theo tiêu chí an toàn thực phẩm từ quy trình trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm.

Nhờ ứng dụng công nghệ, chị Vương Thị Thương đã tăng giá trị hồng vành khuyên Lạng Sơn gấp 20 lần. Năm 2022, Hợp tác xã Toàn Thương đã cung cấp ra thị trường trên 500kg hồng vành khuyên treo gió, doanh thu gần 1,5 tỷ đồng và tới đây dự định xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc.

Tháng 3/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” nhằm tôn vinh và hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ.

Sau các vòng loại, 33 dự án tham gia chung kết, trong đó có 7 dự án của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) và 2 dự án của phụ nữ khuyết tật. “Phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc tày nùng vùng biên giới xứ Lạng” của chị Vương Thị Thương là 1 trong 3 dự án giành giải Nhất Cuộc thi.

Khoảnh khắc xúc động của chị Vương Thị Thương khi nhận giải Nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023.

Khoảnh khắc xúc động của chị Vương Thị Thương khi nhận giải Nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023.

Hỗ trợ phụ nữ DTTS khẳng định mình

Qua câu chuyện của chị Vương Thị Thương có thể thấy phụ nữ DTTS rất cần sự hỗ trợ để nỗ lực vượt qua định kiến giới, khẳng định giá trị bằng tri thức. Bởi một thực tế đang diễn ra là phụ nữ Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít rào cản trong hoạt động khởi nghiệp. Nhiều phụ nữ đơn độc trong quá trình kinh doanh, xuất phát từ gia đình của họ và định kiến giới của xã hội.

Do đó, thúc đẩy bình đẳng giới, tạo môi trường khởi nghiệp thuận lợi, công bằng giữa nam và nữ là điều các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp cùng muốn hướng tới. Với phụ nữ DTTS, hành trình khẳng định vai trò là một hành trình lâu dài và bền bỉ, không ít chông gai nhưng cũng là hành trình của niềm tin, hạnh phúc, của khát vọng.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phụ nữ phát huy khả năng, sự đóng góp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phụ nữ DTTS. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 với 10 dự án thành phần được giao cho các Bộ, ngành tham gia chủ trì, quản lý và tổ chức thực hiện theo hướng đầu tư tổng thể, toàn diện phát triển vùng DTTS và miền núi.

Với vai trò là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam đã luôn đồng hành cùng các lực lượng phụ nữ, nhất là phụ nữ ở địa bàn khó khăn, phụ nữ DTTS, miền núi. Nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực đã được phát động và thực hiện hiệu quả như chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội…

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội LHPN Việt Nam được giao chủ trì, tổ chức thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Dự án 8 đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam thiết kế với nhiều hoạt động hỗ trợ, xây dựng mô hình, tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em DTTS trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội... hướng tới góp phần thực hiện thành công mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.

Thông tin từ Hội LHPN Việt Nam, qua 6 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, đã có trên 80.000 ý tưởng kinh doanh của phụ nữ được hỗ trợ; trên 70.000 phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; gần 5.000 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập; hơn 60.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn nâng cao năng lực, hỗ trợ kết nối các nguồn lực để phát triển. Nổi bật nhất trong các hoạt động của Đề án là Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp.

Đọc thêm