Số vụ TGPL trong tố tụng tăng cao
Năm vừa qua, mặc dù số lượng vụ việc TGPL giảm nhưng số lượng vụ việc tham gia tố tụng, chất lượng và hiệu quả TGPL tiếp tục tăng cao. Các trung tâm TGPL Nhà nước đã tiếp nhận, thực hiện 47.027 vụ việc TGPL, đáng chú ý, số vụ việc tham gia tố tụng lên tới 22.608 vụ việc (chiếm 48% tổng số vụ việc). Một số địa phương có số vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng mạnh như: Hậu Giang, Nam Định, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Kiên Giang…
Theo đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, sự tham gia bào chữa, bảo vệ của các trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên pháp lý trong các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính đã góp phần giúp hội đồng xét xử cấp sơ thẩm và phúc thẩm có cách nhìn toàn diện, khách quan, từ đó đưa ra những phán quyết hợp tình, hợp lý, đúng người, đúng tội. Có những vụ, việc phức tạp kéo dài nhiều năm không giải quyết được, đặc biệt là những vụ hành chính, tranh chấp đất đai người dân tưởng chừng như bỏ cuộc nhưng khi được trợ giúp viên pháp lý tham gia trợ giúp thì vụ việc được giải quyết thành công.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGPL trong hoạt động tố tụng còn gặp không ít khó khăn do công tác phối hợp trong hoạt động TGPL của các cơ quan liên quan trong hoạt động tố tụng chưa chặt chẽ, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện. Đội ngũ cán bộ làm công tác TGPL còn mỏng; kinh phí đầu tư cho hoạt động TGPL còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Công tác truyền thông về hoạt động TGPL chưa được chú trọng, sự chủ động tiếp cận các đối tượng được TGPL còn hạn chế nên nhiều người dân chưa biết hoặc khó tiếp cận đến TGPL.
Phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành
Hiện nay, đứng trước những yêu cầu cao hơn về chất lượng, tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, lấy lợi ích hợp pháp của người dân làm trọng tâm theo tinh thần Luật TGPL năm 2017, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động tố tụng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương, địa phương, nâng cao trách nhiệm các thành viên trong Hội đồng.
Theo đó, tăng cường thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Từ đó, nâng cao chất lượng, số lượng vụ việc TGPL được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, bảo đảm các đối tượng thuộc diện được TGPL được kịp thời cung cấp thông tin và dịch vụ TGPL chất lượng tốt. Cùng với đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Luật TGPL, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về TGPL để nâng cao nhận thức của cán bộ trung ương, địa phương, người dân và người được TGPL bằng nhiều hình thức đa dạng như: cung cấp, đặt Bảng thông tin về TGPL, tờ rơi, tờ gấp thông tin về TGPL tại nơi người dân có thể dễ dàng đọc được thông tin tại trụ sở các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện. Tại các cơ sở giam giữ và trại giam, có thể thực hiện truyền thông về TGPL qua các phương tiện truyền thanh để người bị buộc tội, người thuộc diện được TGPL nắm được quyền và nghĩa vụ của mình.
Cung cấp đơn yêu cầu TGPL, bảng thông tin về người được TGPL, biên bản giải thích về quyền được TGPL miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện được TGPL, thông báo về TGPL, thông tin về TGPL và Sổ theo dõi vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam. Đồng thời cần cung cấp danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm TGPL Nhà nước và người thực hiện TGPL khác cho các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam.
Bên cạnh đó, mỗi trợ giúp viên pháp lý cần thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học hỏi nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, nhất là kỹ năng làm việc với các đối tượng đặc thù để ngày càng có nhiều người nghèo, đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội được hưởng lợi từ công tác TGPL.