Tham dự buổi làm việc có Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc; Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu; Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên; Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Tạ Thành Trung; và đại diện các đơn vị có liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết, trong thời gian qua, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Những tồn tại, hạn chế này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến bố trí nguồn lực; thiếu khung khổ pháp lý nền tảng là cơ sở định hướng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số thống nhất tại các bộ, ngành, địa phương.
Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên. |
Trong bối cảnh mới, thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL được xác định là giải pháp đổi mới mạnh mẽ cách thức tiếp cận pháp luật cho người dân, tạo điều kiện cho người dân tự học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; thay đổi toàn diện quá trình tổ chức quản lý và thực hiện cung cấp thông tin pháp luật, PBGDPL… Trong đó, người dân được đặt vào vị trí trung tâm thông qua nền tảng, công nghệ số từ việc xây dựng dữ liệu đến kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin pháp luật một cách chính thống, đầy đủ, kịp thời, thuận lợi trên môi trường Internet…
Có thể khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực PBGDPL vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới công tác PBGDPL được đặt ra trong Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trong đó, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL” vào năm 2024.
Từ cơ sở thực tiễn và pháp lý nêu trên, việc ban hành Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL” là hết sức cần thiết và cấp bách.
Đề án tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong công tác PBGDPL bằng các hình thức phù hợp; Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; Hỗ trợ một số địa phương thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài; Tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số về PBGDPL; Tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc. |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu quan điểm về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác PBGDPL. Theo đó, Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc và Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu đều đề xuất triển khai thí điểm ứng dụng AI hỗ trợ đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật trong thực hiện công tác PBGDPL.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh kết luận buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Cục PBGDPL nghiên cứu số hóa dữ liệu Hỏi đáp pháp luật; ứng dụng AI trong Hỏi đáp pháp luật và giới thiệu văn bản chính sách mới; xây dựng các dự án liên quan đến AI; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL trên môi trường mạng đối với báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở; bảo đảm các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL được tổ chức thông qua hình thức đào tạo trực tuyến; hoàn thành việc xây dựng các ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác PBGDPL, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; nghiên cứu thêm các mô hình, hình thức PBGDPL mới sao cho hiệu quả, phù hợp, phục vụ nhu cầu khai thác, tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân, doanh nghiệp…
Cũng tại buổi làm việc, Cục PBGDPL cũng báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh về tình hình tổ chức diễn đàn Kinh doanh và pháp luật./.