Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đi vào nền nếp; các sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, chính xác, đảm bảo về trình tự, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu đăng ký hộ tịch. Việc lưu trữ, quản lý, sử dụng sổ hộ tịch đảm bảo đầy đủ, đúng quy định, đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp trích lục hộ tịch cho công dân khi có yêu cầu, đảm bảo quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và xã hội.
Trong năm 2020, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 12.830 trường hợp; đăng ký khai tử cho 1.675 trường hợp; đăng ký kết hôn cho 3.487 cặp.
Trong quá trình thụ lý và tiếp nhận hồ sơ, cán bộ, công chức Tư pháp - hộ tịch hướng dẫn cụ thể, trình tự các thủ tục, giấy tờ theo quy định. Góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách tư pháp gắn với cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý hộ tịch - tư pháp, giảm phiền hà và các thủ tục rườm rà cho nhân dân khi đến làm các giấy tờ, thủ tục hành chính liên quan.
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch tiếp nhận giấy tờ của công dân liên quan đến việc đăng ký khai sinh |
Nét mới công tác hộ tịch thời gian qua là UBND tỉnh Lai Châu đã phê kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu “Số hóa dữ liệu hộ tịch tỉnh Lai Châu từ 01/1/2016 đến 30/6/2019”.
Kế hoạch nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công; chuyển đổi dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy sang dữ liệu số theo hướng hình thành hệ thống thông tin hộ tịch với cấu trúc chuẩn tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh; hiện đại hoá công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch đồng bộ, bảo đảm việc kết nối để chia sẻ, cung cấp thông tin với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cơ sở dự liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, bảo đảm tối đa lợi ích cho người dân.
Ngoài ra, phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch được triển khai áp dụng trên địa bàn tỉnh Lai Châu từ ngày 1/4/2018. Đây là một trong những giải pháp quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch và xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên địa bàn tỉnh Lai Châu, góp phần hiện đại hóa hành chính, phục vụ Nhân dân trong lĩnh vực tư pháp.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Để triển khai Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch về chuyên môn, nghiệp vụ hộ tịch và kiến thức tin học, kỹ năng sử dụng phần mềm, quản trị hệ thống, bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu và kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý và đăng ký hộ tịch cho lãnh đạo, chuyên viên làm công tác hộ tịch Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, rà soát, sửa chữa hệ thống máy tính và máy in phục vụ riêng cho công tác hộ tịch được trang bị đầy đủ ở 100% xã, phường, thị trấn và phòng Tư pháp huyện, thành phố nhằm đảm bảo các xã, phường, thị trấn và các huyện, thành phố trên toàn tỉnh thực hiện triển khai phần mềm một cách đồng bộ, hiệu quả.
Việc ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong đăng ký và quản lý hộ tịch trên phạm vi toàn tỉnh, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tập trung sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, đảm bảo sự quản lý thống nhất từ tỉnh đến cơ sở và có sự phân quyền, phân cấp hợp lý giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch theo đơn vị hành chính, theo cấp quản lý. Đồng thời, bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, từng bước hiện đại hóa công tác đăng ký hộ tịch, tiến tới đăng ký trực tuyến; bảo đảm kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành có liên quan, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án hiện đại hóa nền hành chính quốc gia đến năm 2030...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại nhất định: Tình trạng đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn vẫn còn diễn ra; Việc đăng ký hộ tịch bằng điện tử triển khai chưa đồng đều, mặc dù được trang bị máy vi tính, cài đặt phần mềm hộ tịch nhưng nhiều cán bộ vẫn còn lúng túng khi sử dụng do còn thiếu kỹ năng khi sử dụng phần mềm; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tương đối đầy đủ nhưng một số nội dung chưa quy định chi tiết, gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện...
Để làm tốt hơn nữa công tác hộ tịch, trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hộ tịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ trong công tác đăng ký hộ tịch.