Đẩy mạnh xuất khẩu gạo: Vừa là thời cơ, vừa là chia sẻ an ninh lương thực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ NN&PTNT vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu (XK) gạo trong tình hình mới. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định đây vừa là thời cơ để đẩy mạnh XK, nâng cao giá trị gạo Việt Nam, vừa là chia sẻ an ninh lương thực (ANTL) với khu vực và thế giới…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Xin Thứ trưởng chia sẻ về cơ hội XK gạo của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

- Năm 2022 chúng ta XK 7,13 triệu tấn gạo với giá trị 3,49 tỷ USD. Năm nay hết 7 tháng đầu năm, chúng ta xuất 4,84 triệu tấn với giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Năm nay sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn tăng 1,8 -2% so với năm 2022. Về giá, như chúng ta đã biết, Nga, Ấn Độ cấm XK gạo. Đây là thời cơ cho gạo Việt Nam khi gạo Việt Nam có chất lượng cao, giá trị cao và đây là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, khi họp về kinh tế đối ngoại, chị Tâm là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (bà Bùi Thị Thanh Tâm - PV) có nêu vấn đề mà tôi thấy rất chí lý, đó là lúc khó khăn không bán được hàng có cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ, nên lúc này khi giá lúa gạo tăng phải có sự chia sẻ nhất định từ người nông dân mới bảo đảm sự phát triển bền vững.

Giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Đây là giá trị rất lớn cho Việt Nam thực hiện mục tiêu XK gạo, dự kiến thu về 4,1 tỷ USD trong năm nay. Đây vừa là thời cơ, vừa chớp cơ hội, nhưng cũng có sự chia sẻ. Trong bao năm qua, Việt Nam bảo đảm ANLT trong nước, khu vực và thế giới. Với việc XK gạo trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vừa bảo đảm sự tăng trưởng, vừa nâng cao giá trị vừa chia sẻ với cộng đồng, với khu vực và thế giới…

Xuất khẩu gạo đang đứng trước cơ hội mới. (Ảnh: Báo Công Thương).

Xuất khẩu gạo đang đứng trước cơ hội mới. (Ảnh: Báo Công Thương).

Theo thứ trưởng, đâu là cơ sở để chúng ta chớp lấy cơ hội này?

- Như chúng ta biết, giống lúa Việt Nam đạt 85% là giống lúa mới, gạo đạt 89% chất lượng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đang xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải. Hơn nữa, vụ lúa gạo Việt Nam chỉ có 3 tháng.

Tới đây, giống như thế, quy trình canh tác như thế, phù hợp với từng vùng miền, chúng ta có nhiều kinh nghiệm bảo vệ đồng ruộng, chúng ta có cơ chế giám sát dịch bệnh, vi rút, có chế phẩm sinh học…. để bảo đảm thắng lợi mùa vụ cũng như mở rộng một phần diện tích. Đây là cơ sở thực tiễn và khoa học để khẳng định sẽ có một vụ Đông - Xuân, Hè - Thu thắng lợi góp phaafn bảo đảm ANLT cho 98 triệu dân, cho chế biến, dự trữ, làm giống và XK…

Thứ trưởng có thể chia sẻ giải pháp phối hợp với các bên để bảo đảm chúng ta chớp thời cơ thắng lợi?

Chúng ta biết rằng, XK gạo ngoài việc sản xuất thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và các địa phương, còn có trách nhiệm của Bộ Công Thương. Trong Chỉ thị sẽ phân định rõ giải pháp và trách nhiệm của các bên. Khi Chỉ thị ban hành chúng tôi sẽ truyền thông tới các cơ quan, các địa phương cũng như các bộ, ngành để đề nghị phối hợp chặt chẽ, để bảo đảm chớp thời cơ trong bối cảnh giá lúa gạo đang tăng như hiện nay…

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Có thể xuất khẩu đến 7,8 triệu tấn gạo

Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, năm nay Việt Nam có thể XK đến 7,8 triệu tấn gạo. Đồng thời khẳng định việc đẩy mạnh XK gạo tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến ANLT.

Ông Cường cũng cho biết, để chớp thời cơ đẩy mạnh XK, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000ha lên 700.000ha… T.T

Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo gạo tồn kho, dự trữ

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa tiếp tục có công văn gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo.

Để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cũng như bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, Bộ Công Thương đề nghị VFA và thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Ngoài ra, VFA và thương nhân thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước. Đáng chú ý, Cục Xuất nhập khẩu yêu cầu thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần báo cáo gấp tình hình lượng thóc, gạo tồn kho, dự trữ; việc ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Nhật Thu

Đọc thêm