Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản ra thế giới

(PLVN) - Trong bối cảnh Việt Nam sớm khống chế được dịch Covid-19 thì hàng hóa Việt Nam có lợi thế lớn để tiến ra thế giới, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. 
Nông sản Việt Nam có nhiều lợi thế tiến ra thế giới.
Nông sản Việt Nam có nhiều lợi thế tiến ra thế giới.

Hàng hóa Việt Nam là sự lựa chọn lý tưởng

Các cuộc giao thương trực tuyến gần đây được Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) liên tục tổ chức, đặc biệt với các mặt hàng nông sản. Theo thông tin từ Cục này, đã có hàng trăm DN phân phối nhập khẩu (NK) của châu Âu, Trung Quốc và các nước trong khu vực đã tham gia các cuộc giao thương, nhằm tìm kiếm thêm nguồn cung cho các mặt hàng nông sản. 

Trong một cuộc giao thương với cộng động DN châu Âu, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Liên minh Châu Âu (EU) khẳng định Việt Nam có năng lực đảm bảo các yêu cầu từ phía những nhà NK về hàng nông sản, thực phẩm với hơn 6.335 ha hoa quả áp dụng VietGAP/GlobalGAP và đã được cấp mã số vùng trồng đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu(XK).

Ngoài ra, Việt Nam đang phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm đưa sản phẩm vượt trội về chất lượng, thương hiệu, tuân thủ những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp… qua đó đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng ở các nước NK và tăng khả năng cạnh tranh.

Với việc có Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA), 94% của 540 dòng thuế trái cây, rau quả từ Việt Nam vào thị trường EU đã về 0%, có thể mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh hơn cho nhóm sản phẩm này.

Thực tế, số lượng XK các mặt hàng nông sản vào EU cũng đã tăng dần từ đầu tháng 9 (kim ngạch XK vào EU của mặt hàng này trong 8 tháng qua giảm 3,3%). Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nhà XKlớn các mặt hàng trái cây nói riêng và nông sản nói chung cho các thị trường trên thế giới, trong đó có thị trường EU.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam nhanh chóng khống chế, kiểm soát hiệu quả sự xâm nhập và lây lan của đại dịch Covid-19 thì hàng hóa từ Việt Nam là sự lựa chọn lý tưởng hiện nay khi có nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm phong phú với chất lượng đảm bảo, phù hợp nhiều phân khúc tiêu thụ khác nhau để cung ứng cho thị trường quốc tế.

Đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh 

Trong khi tìm cách đẩy mạnh các mặt hàng nông sản sang thị trường EU, nông sản Việt Nam vẫn tiếp tục tìm cách gia tăng hàng hóa sang các nước láng giềng và trong cùng khu vực vốn có rất nhiều lợi thế trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt phải kể đến các loại trái cây.

Ông Viên Á Tường, Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết, dù sản phẩm nội địa dồi dào nhưng hàng NK nói chung, trái cây nói riêng vẫn được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hoa quả, nông sản NK vào Trung Quốc giảm. Giá trung bình của măng cụt, thanh long, anh đào, cam quýt, dừa, dứa và sầu riêng NK đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, do sức mua thấp, và sản phẩm gặp khó khăn trong vận chuyển khiến kéo dài thời gian, làm tăng chi phí logistics…

Do đó, theo ông Tường, DNXK của Việt Nam muốn chiếm thị phần nhiều hơn tại Trung Quốc thì đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng và giá cả cạnh tranh bởi việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất cũng sẽ tạo ra bước ngoặt. 

Trước đó, Trung Quốc đã tăng cường giám sát các sản phẩm nông nghiệp NK, liên quan đến các phương diện như truy xuất nguồn gốc nông sản, đăng ký vùng trồng, đăng ký nhà máy đóng gói và dán nhãn sản phẩm. Điều này chính là trách nhiệm đối với người tiêu dùng và cũng đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về yêu cầu công việc cho tất cả các nhà sản xuất trái cây.

Không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng đã đẩy cao hơn tiêu chuẩn chất lượng các mặt hàng nông sản NK. Ông Johnny Ting, Giám đốc Công ty TIK International (Singapore) khẳng định, các sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng XK sang Singapore và ra thế giới.Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần lưu ý những đòi hỏi của thị trường Singapore về hàng hóa NK. 

Cụ thể, muốn vào được thị trường Singapore, sản phẩm phải có thông tin dinh dưỡng, chứng chỉ HACCP, chứng chỉ GMP, chứng chỉ ISO. “Đặc biệt chúng tôi khuyến khích có chứng chỉ HALAL bởi HALAL không chỉ là chứng chỉ để vào các nước theo đạo Hồi mà còn là phương châm sống của sự tinh khiết, sạch sẽ, an toàn, chất lượng. Những sản phẩm được chứng nhận Halal có những điều này” - ông Johnny Ting chia sẻ.

Đọc thêm