Dạy tích hợp chương trình giáo dục phổ thông mới: Triển khai vài năm, vẫn lúng túng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mục tiêu tích hợp các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới là phù hợp với xu hướng chung thế giới nhưng thực tế triển khai có rất nhiều khó khăn với nhà trường và giáo viên.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Mớ bòng bong”

Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 2 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với nhiều điểm mới, trong đó có dạy học tích hợp. Điều bất cập, khó khăn là giáo viên đào tạo đơn môn, rất khó để đứng lớp dạy kiến thức 3 môn liên tiếp với kiến thức tích hợp chuyên sâu.

Theo chương trình GDPT mới, ở bậc THCS có 2 bộ môn tích hợp mới là Lịch sử và Địa lý (105 tiết) và Khoa học Tự nhiên - KHTN (140 tiết). Riêng môn KHTN được tích hợp kiến thức từ 3 môn, gồm Vật lý, Sinh học, Hóa học. Một số hiệu trưởng trường THCS ở Hà Nội cho biết, năm ngoái là năm đầu tiên dạy tích hợp, nhà trường sắp xếp 3 giáo viên dạy môn KHTN, trong đó mỗi người một phân môn. Tuy nhiên, với sách giáo khoa lớp 7 mới, kiến thức môn KHTN thay đổi hoàn toàn, tích hợp rất nhiều, rất sâu. Mỗi giáo viên phụ trách một phân môn mới đảm bảo kiến thức, còn đảm trách 3 phân môn cần có thêm thời gian để học tập, bồi dưỡng.

Mặc dù các trường đã nỗ lực để chạy đua dạy học, tập huấn, nhưng cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn có bất cập, đẩy giáo viên và các trường vào thế khó khi chương trình đi trước, đào tạo con người sau. Giáo viên phải thực sự có kiến thức chuyên sâu, biết 10 dạy 7, làm chủ kiến thức đó mới mong dạy hấp dẫn, thu hút học sinh, có sáng tạo. Còn giáo viên tự tập huấn lẫn nhau hoặc truyền thụ những gì sách giáo khoa viết là chưa đầy đủ. Chưa kể, trong lớp sẽ có những học sinh có năng lực đòi hỏi giáo viên dạy kiến thức chuyên sâu, thầy cô sẽ không đủ “vốn liếng” để trả lời trò.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử Trường Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An bày tỏ, dạy học tích hợp các môn KHTN và Sử - Địa ở bậc THCS theo chương trình GDPT 2018 hiện nay như một “mớ bòng bong”, phức tạp, chồng chéo và lộn xộn, rất khổ cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy môn tích hợp ở bậc THCS. Giáo viên học chuyên ngành Vật lý nhưng phải dạy luôn cả Hóa và Sinh, giáo viên Toán cũng dạy cả môn Sinh, giáo viên Lịch sử dạy cả môn Địa lý...

Nhiều phụ huynh có con học cấp THCS còn chung thắc mắc là việc học môn tích hợp này sẽ kéo dài từ lớp 6 đến hết lớp 9, nhưng khi bước vào khối THPT thì môn học này lại tách ra môn đơn. Vậy làm thế nào để giáo viên cũng như học sinh chủ động được trong cách giảng dạy và tiếp thu kiến thức?

Không vì chạy đua với thời hạn mà thiếu thận trọng

Vừa qua, Đại biểu Quốc hội PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đã nêu những vấn đề trên tại buổi thảo luận Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, chương trình GDPT đến nay đã thay sách đến năm thứ 4 (năm nay thẩm định lớp 4, 8, 11), tuy nhiên chúng ta vẫn còn nhiều lúng túng và hạn chế. Thực trạng trái với nhận định của nhà phát triển chương trình.

“Tôi chỉ xin lấy 1 ví dụ: Tích hợp: KHTN = Lý + Hóa + Sinh (một cuốn sách chia thành 3 phần một cách cơ học). Mục tiêu có thể nghe rất hay phù hợp với xu hướng chung thế giới nhưng thực tế triển khai gây rất nhiều bất cập đối với nhà trường, giáo viên và học sinh”.

PGS Nguyễn Lân Hiếu cũng bày tỏ: “Chúng ta đã thực nghiệm đủ mẫu để đánh giá đầy đủ các tác động và hệ lụy của chương trình hay không? Giáo dục là quốc sách hàng đầu, chúng ta không thể nào vì “chạy theo thời hạn” mà làm một cách không thận trọng để ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh”.

Theo ông, mỗi năm học mới, có 1,5 - 2 triệu học sinh vào lớp 1, tương ứng 1,5 - 2 triệu gia đình. Chỉ cần một sự không cẩn trọng thì sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến toàn thể xã hội. Ngoài ra còn nhiều vấn đề phát sinh cần gấp rút điều chỉnh như thiết bị dạy học, tình trạng thiếu giáo viên… “Các thành phố lớn còn khó thì chúng ta hình dung những vùng sâu, vùng xa sẽ khó khăn đến nhường nào” - GS Nguyên Lân Hiếu nhấn mạnh.

Đọc thêm