Phát biểu trong phiên thảo luận chiều nay (25/5), ĐB Võ Thị Dung (Tp Hồ Chí Minh) đã đưa ra những vấn đề dân đang bức xúc. Như câu chuyện về tồn ứ nông sản, câu chuyện quy hoạch giống cây, chuyện chặt cây xanh ở Hà Nội, chuyện lấp sông Đồng Nai… theo bà, đó là những vấn đề dân đang rất quan tâm, và cần thấy được Chính phủ đã làm gì để đối phó, xử lý các vấn đề đó. Chính phủ cần nhìn thẳng vào những vấn đề đó để giải đáp bức xúc của dân.
Bà nói: “QH đã chất vấn Bộ Công thương về giải quyết sản phẩm đầu ra cho ngông sản. Chúng tôi cũng thấy Bộ trưởng đi tìm đường để bán hàng. Nhưng chỉ là tìm cách bán hàng thôi, chứ cái gốc về chất lượng lại không thấy.”. Trong khi đó, ai cũng biết rằng, chất lượng sản phẩm mới quyết định giá trị lưu thông của hàng hóa.
ĐB Dung cũng đưa ra nhận định, việc giải quyết nông sản, chúng ta đã dùng đến “tấm lòng trong nước”. Nhưng điều quan trọng hơn là phải tìm được giải pháp “tấm lòng ở nước ngoài.”. Bởi chúng ta đã hội nhập rồi, cánh cửa đã mở ra thênh thang rồi.
Không chỉ là câu chuyện của dưa hấu, vải thiều, hành tím… chất đống không có đầu ra, ĐB Dung còn lo lắng về công tác quy hoạch. Bà đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần phải điều hành, quản lý quyết liệt hơn về vấn đề quy hoạch. Câu chuyện quy hoạch cây mắc – ca, cây cao su, thanh long... đang là một thách thức lớn cần phải giải quyết kịp thời.
ĐB Võ Thị Dung nhận định Chính phủ đang thả nổi cho địa phương, chưa quan tâm nhiều đến hoạt động của các địa phương. “ Sông Đồng Nail à cả khu vực đồng bằng đông Nam Bộ chứ đâu riêng Đồng Nai. Thủ đô là gì? Chặt cây xanh hàng loạt, quản của các bộ ngành ở đâu?” – bà bức xúc phát biểu.
Chung quan điểm của ĐB Võ Thị Dung, ĐB Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng đang có hai vấn đề lớn cần phải giải quyết là chuyện sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Đây là hai lĩnh vực bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết thực trạng yếu kém. Theo ông, không trông đợi giải pháp tình thế, mà cần có những giải pháp căn cơ, triệt để vấn đề.
Theo ông, Bộ Nông nghiệp, cần tập trung kỹ hơn về quy hoạch, diện tích, sản lượng, chủng loại cây trồng. “Cây mắc ca, cao su, những quy hoạch trong thực tế đã lớn hơn nhiều. Vai trò của Bộ Nông nghiệp với chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn cho bà con ở đâu?” – ông đặt câu hỏi.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa đề nghị Chính phủ cần có những chiến lược rõ ràng, quyết liệt hơn trong việc phát triển nông nghiệp. “Sản phẩm trong nông nghiệp nhiễm thuốc, không khác gì hàng nhái trong công nghiệp” – ông đưa ra nhận định.
Chán nản với “điệp khúc” được mùa rớt giá” mỗi năm, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) phát biểu: “Lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng năm nào cũng nghe câu “được mùa rớt giá” cứ lặp đi lặp lại, mỗi năm lại một sản phẩm. Bức xúc là vậy, nhưng giải pháp đưa ra chưa được thực hiện hiệu quả. Nguyên nhân từ những bất cập trong quy hoạch, tiêu thụ sản phẩm… Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm để những kỳ họp sau không còn nghe đến “được mùa rớt giá”.
Đồng tình ý kiến ĐB Thường, ĐB Phạm Quang Khải cho rằng, bài ca trong sản xuất nông nghiệp “được mùa rớt giá” là muôn thuở, do đó cần có giải pháp căn cơ, trước mắt và lâu dài. “Cử tri phản ánh thường xuyên, không chỉ trái cây mà lúa gạo và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác hiện khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nông dân làm được thì làm còn không gánh chịu”.
ĐB Bùi Quang Vinh đề nghị: “Ngay trong năm nay Nông nghiệp cần có bàn căn cơ, sâu sắc hơn với sự có mặt các địa phương, doanh nghiệp… để có cái nhìn về thị trường trong nước, xuất khẩu. Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nên cần có giải pháp tốt. Nếu không tháo gỡ mạnh thì đến tháng 10, kỳ họp sau, tăng trưởng sẽ giảm vì nông nghiệp” – ĐB Vinh phát biểu./.