Dưa hấu ế, không thể trách người nông dân

(PLO) - Trả lời báo chí bên lề QH chiều hôm nay về vấn đề dồn ứ nông sản, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng đang  tồn tại khá nhiều vấn đề, không ai có thể trách người nông dân được, có trách là trách cơ quan quản lý chưa làm tròn vai của mình.
Dưa hấu ế, không thể trách người nông dân
PV: Thưa Bộ trưởng, có những giải pháp nào để nông sản của chúng ta có thể hội nhập, không còn rơi vào thảm cảnh như dưa hấu thời gian qua?
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Có rất nhiều biện pháp mà  chúng ta có thể tận dụng khi đã tham gia hội nhập thế giới. Một trong những đàm phán chúng ta ưu tiên đó là tìm cách xuất khẩu được hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng chúng ta có thế mạnh như gạo, cao su…  
Trong các hợp đồng đã, đang đàm phán ký kết thì tiêu chí để xem đàm phán thành công hay không, đó là việc đàm phán để đối tác đồng ý mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam đến đâu, là biện pháp quan trọng mà ngành công thương được giao nhiệm vụ để tìm kiếm thị trường.
Bên cạnh đó là áp dụng những giải pháp bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước. Với những mặt hàng rất nhạy cảm tìm cách bảo lưu, mở cửa hạn chế với những mặt hàng này. Còn với các mặt hàng ít nhạy cảm hơn nhưng hiện chúng ta đang cạnh tranh khá yếu thì duy trì lộ trình về thời gian đủ để người nông dân vươn lên khi nào đứng vững được thì chúng ta mới mở cửa. Hiện nay chúng tôi đang làm việc đó.
Tuy nhiên, trong tiêu thụ sản phẩm nông sản vừa qua tồn tại khá nhiều vấn đề, một trong số đó là thiếu sự hợp tác, liên hệ đồng bộ chặt chẽ giữa các khâu về quy hoạch, tìm kiếm thị trường… Không ai có thể trách người nông dân được, vì cứ cái gì họ có lợi là làm; có trách là trách cơ quan quản lý chưa làm tròn vai của mình.
Nhưng cũng phải nói vừa qua chúng ta đã nỗ lực cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao, nên cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nhiệm vụ. Có nghĩa rằng, đừng có đổ lỗi cho ai, mà mỗi 1 cơ quan, đơn vị cần xem lại đã làm gì, hướng dẫn cho người dân làm sao, tham mưu cho Chính phủ như thế nào để việc tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn.
Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi cũng mong người nông dân cần chủ động hơn, coi trọng hướng dẫn, tư vấn của cơ quan quản lý Nhà nước, không chạy theo mong muốn cục bộ, chủ quan của mình dẫn đến không thành công được trong sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
PV: Bộ Công thương có trách nhiệm xây dựng rào cản kỹ thuật để bảo vệ nông sản nhưng thời gian qua chưa thấy có kết quả. Bộ trưởng có thể cho biết nguyên nhân?
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Đi đôi với việc bảo hộ sản xuất trong nước, việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật chủ yếu là việc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, là các biện pháp WTO cho phép các nước làm, trước hết là để kiểm tra chặt chẽ các sản phẩm nông nghiệp liên quan trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng.  
Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đó. Nhưng riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu thuộc về trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN. Thực tế 2 Bộ đã ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm nuôi trồng, ví dụ tôm, cá, một số nông sản khác.
Nhưng một mặt nữa cũng phải tính đến là tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa phải áp dụng chung cả với sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy trong không ít trường hợp chúng ta phải xử lý tình huống này khi Việt Nam vốn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đôi khi do vô thức, người nông dân đã sử dụng một số loại hoá chất không cho phép áp dụng trong quá trình sản xuất cây trồng, vật nuôi.
Vì vậy, cùng với xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tìm kiếm thị trường, các cơ quan quản lý của Việt Nam phải làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích, kiểm tra, kiểm soát và người sản xuất cũng cần có ý thức hơn trong việc sản xuất đối với chất lượng nông sản.
PV:- Tình trạng nông sản cung vượt quá cầu là dấu hiệu nguy hiểm trong tương lai. Xử lý tình trạng này ra sao thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Tình trạng xảy ra ùn tắc trong quá trình tiêu thụ 1 số mặt hàng nông sản không chỉ năm nay mới xuất hiện mà đã xảy ra vài năm  nay. 
Đối với những sản phẩm nông nghiệp có quy hoạch, kế hoạch dài hạn như lúa hay cà phê … thì cung – cầu có sự tương đối, không có tình trạng ách tắc trong tiêu thụ, xuất khẩu. Chỉ nếu năm nào cả thế giới được mùa thì có thể khó hơn. 
Vừa rồi ách tắc tại một số cửa khẩu xảy ra với một số sản phẩm không có quy hoạch hoặc quy hoạch lỏng lẻo, ví dụ như dưa hấu. 
Theo tôi biết, hiện nay chưa có quy hoạch chính thức diện tích trồng dưa hấu trên cả nước, trong khi đây là loại cây dễ trồng, ngắn ngày nên người nông dân tận dụng trồng giữa 2 vụ lúa, không ai có thể kiểm soát, ngăn chặn được, góp phần làm sản lượng dưa hấu tăng đột biến.
Dưa hấu trồng là để dành cho tiêu thụ trong nước là chính. Còn xuất khẩu, nhiều trường hợp thương lái thu mua dưa hấu nhưng ko có hợp đồng ký trước với đối tác, và không chọn lọc kỹ chất lượng quả khi thu mua… nên khi xuất sang thì bị trả lại hàng. Và khi không tiêu thụ được thì thương lái hạ giá thu mua thấp đối với người dân.
Nên chỉ còn cách làm tốt thông tin cho người nông dân, vận động kết nối giữa doanh nghiệp thu mua – doanh nghiệp tiêu thụ - nông dân, trung tâm thương mại, siêu thị… Mở rộng kho bãi tập kết, trung chuyển hàng hóa để bảo quản được tốt hơn, thậm chí lựa chọn phân loại hàng trước khi thông quan. Nếu làm tốt các giải pháp này sẽ giải quyết được bất cập. Như vải thiều, năm ngoái chúng ta đã làm rất tốt và năm nay cũng như vậy.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đọc thêm