Nông sản gặp khó vì chính sách “nặng tính bao cấp”

(PLO) - Một số đại biểu lo ngại như vậy tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra hôm qua 11/5.
Người dân khóc ròng vì dưa hấu rớt giá. Ảnh minh họa: MH
Người dân khóc ròng vì dưa hấu rớt giá. Ảnh minh họa: MH
Làm nghiêm việc đánh giá năng lực cán bộ
Tại phiên họp cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2015; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản tán thành với các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH và có nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ “quan tâm đến giải pháp hỗ trợ, nâng cao giá trị nông sản, đời sống của nông dân là vấn đề cần phải bổ sung vào Báo cáo phát triển KT-XH”.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng, Chính phủ cần bổ sung vào Báo cáo những đánh giá về việc đời sống của một bộ phận nông dân khó khăn, nông sản không đi vào thị trường được, giá bán được cũng rất thấp như dưa, hành… để “có giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ người nông dân nâng cao giá trị nông sản và tăng tính cạnh tranh”.
Cho rằng “cơ chế chính sách hiện nay còn nặng tính bao cấp, không tạo ra được những thay đổi trong việc gắn thị trường vào sản xuất, hệ thống phân phối để tìm ra được giải pháp tháo gỡ khó khăn” là nguyên nhân khiến nhiều thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam như tiêu, điều, cà phê đều đang bị ảnh hưởng, các nông sản cũng gặp nhiều khó khăn, sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ phải xem lại các cơ chế chính sách này.
Cũng đề cập đến câu chuyện nông sản Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền đặt câu hỏi: Tại sao tất cả những vấn đề về cạnh tranh, đầu ra - đầu vào, về dịch vụ cho nông dân đã có cả Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà cho đến hôm nay vẫn là câu chuyện dưa hấu?
“Đó là yếu tố cán bộ, từ người hoạch định chính sách đến cán bộ tổ chức thực hiện chính sách đều có vấn đề về năng lực, trách nhiệm…” nên ông Quyền nêu ý kiến cho rằng, Hiến pháp ban hành từ năm 2013, các cơ quan cũng đẩy mạnh thực hiện nhưng việc các chính sách đó có đi vào cuộc sống hay không, có được đổi mới hay không, có phúc đáp được yêu cầu phát triển KT-XH hay không lại phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ.
“Chuẩn bị Đại hội Đảng rồi, xem xét nhân sự khóa tới rồi thì phải đánh giá nghiêm túc về năng lực của đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước, đặc biệt đội ngũ điều hành, quản lý xem năng lực đáp ứng đến đâu. Khi bắt được “bệnh” của bộ máy của chúng ta thì mới có giải pháp để nâng cao năng lực vì đây là yếu tố quyết định sự phát triển KT-XH trên rất nhiều lĩnh vực. Đây là vấn đề cần làm nghiêm” – ông Quyền nhấn mạnh.
Chuẩn bị khi lượng người nghèo sẽ tăng
Tại phiên họp, bà Trương Thị Mai nêu ý kiến rằng, việc chuẩn nghèo được đo lường theo phương pháp đa chiều bắt đầu từ cuối năm nay sẽ thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân thuộc đối tượng này nên Chính phủ phải có sự chuẩn bị, đón đầu. Bà Mai cho rằng, Chính phủ nên có giải pháp điều chỉnh giá dịch vụ công đồng bộ với cơ chế tài chính, thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm y tế để giảm việc sử dụng ngân sách, tăng giá dịch vụ y tế đồng bộ với cơ chế tài chính và đảm bảo cơ chế tự chủ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước thì dự báo, theo tiêu chí mới nghèo đa diện thì lượng người nghèo sẽ tăng. Do đó, nếu cắt các ưu tiên, hỗ trợ thì lượng người nghèo cùng cực tăng cao và không đảm bảo các dịch vụ giáo dục, y tế cho người dân.
Bên cạnh đó, khoảng cách thu nhập thành thị - nông thôn cao, mức sống chênh lệch giữa người dân ở 2 khu vực này cực kỳ lớn. “Đây chính là những thách thức, là nguồn cơn đẻ ra các mâu thuẫn xã hội” - ông Phước nhấn mạnh. Vì vậy, phải quan tâm rút ngắn chênh lệch này.
Cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 vào chiều qua 11/5, UBTVQH băn khoăn khi mức bội chi của ngân sách đã cao hơn mức Quốc hội cho phép.
Lo ngại về vấn đề nợ công, ông Ksor Phước đề nghị Bộ Tài chính làm rõ năm 2015 phải trả nợ bao nhiêu GDP khi trần nợ công QH cho phép là 65%? Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo tính toán, bố trí 14,5% dự toán chi năm 2015 để trả nợ nhưng do thời gian phải đảo nợ (thanh toán trái phiếu ngắn hạn) 130.000 tỷ đồng nên nếu đảm bảo 17-18% dự toán chi của năm thì cho phép trả được nợ. Bộ trưởng cũng lưu ý, tỷ lệ này là thấp so với các dự toán chi khác.
Bà Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, quyết tâm thu hồi các khoản nợ ngân sách, trả lại cho Nhà nước mới thể hiện rõ hiệu quả thanh tra, kiểm tra tài chính, công tác quản lý ngân sách nhà nước. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải tính để ngân sách minh bạch, bội chi gồm những khoản nào phải rõ, mức bội chi hợp lý, tính lại chiến lược nợ công, “vay phải trả được”. Nhất là “đảo nợ hàng năm nghĩa là vay không làm ăn được, chỉ trả lãi thì phải tính” – Chủ  tịch Quốc hội lưu ý.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng không yên tâm khi còn nhiều văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành sai. Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, phải chú ý vấn đề trách nhiệm trong ban hành VBQPPL, cho phép ban hành phải chịu trách nhiệm về VBQPPL, không thể để tình trạng cả trăm văn bản sai như vậy”.

Đọc thêm