ĐBQH Đỗ Đức Hiển thể hiện sự đồng tình về cơ bản với các chỉ tiêu mà Chính phủ đề xuất với Quốc hội trong năm 2023. Ông Hiển cũng đề xuất một số kiến nghị liên quan đến việc xây dựng dự toán NSNN năm 2023 cũng như về một số vấn đề có liên quan.
Dự toán thu hợp lý để nuôi dưỡng nguồn thu
- Ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện NSNN trong 9 tháng qua? Việc xây dựng các chỉ tiêu dự toán NSNN năm 2023 mà Chính phủ đề xuất có hợp lý không, thưa ông?
ĐBQH Đỗ Đức Hiển: Trước hết, có thể thấy rằng năm nay thu NSNN ước đạt khá cao so với dự toán Quốc hội quyết định. Theo báo cáo của Chính phủ cả năm thu NSNN ước đạt 1.614,1 nghìn tỷ, vượt 202,4 nghìn tỷ (tương ứng 14,3%) so với dự toán - Đây là con số có thể nói rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình với các ĐBQH bàytỏ quan điểm tại các phiên thảo luận tại Tổ và tại Hội trường trong 2 ngày qua, tôi cho rằng công tác dự báo khi xây dựng NSNN là một trong những vấn đề mà các cơ quan cần quan tâm hơn. Cụ thể:
Chúng ta xác định dự toán thu NSNN năm 2022 là gần 1.412 nghìn tỷ, trong khi đó năm 2021 chúng ta đã thu được hơn 1.568 nghìn tỷ. Như vậy, dự toán thu năm 2022 thấp hơn số đã thu được của năm 2021 khá nhiều (156 nghìn tỷ). Việc xây dựng dự toán năm 2022 thấp ngoài nguyên nhân do việc dự báo đất nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức thì còn có nguyên nhân từ việc chúng ta ước thực hiện của cả năm 2021 chưa thực sát.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), Chính phủ báo cáo ước thực hiện cả năm 2021 là 1.365,5 nghìn tỷ, nhưng thực tế thực hiện cả năm 2021 khá cao như đã nêu trên và tăng tới 202,9 nghìn tỷ. Nhiều ý kiến cho rằng dự kiến thu NSNN vượt lớn có một phần nguyên nhân do việc xây dựng dự toán NSNN 2022 trên nền thu NSNN năm 2021 ước thấp và nếu ngoại trừ nguyên nhân trên, ước thực hiện thu NSNN năm 2022 về thực chất không vượt lớn như báo cáo. Do đó, Bộ Tài chính cần rà soát thêm để xây dựng dự toán thu NSNN trong năm 2023 và các năm tiếp theo, bảo đảm phù hợp, sát với tình hình thực tế.
Về dự toán NSNN năm 2023, Chính phủ dự kiến là 1.620,7 nghìn tỷ tương đương với ước thực hiện năm 2022 và về tỷ lệ, tăng khoảng 15% so với dự toán năm 2022. Tôi hiểu đây cũng là mức tăng trung bình đối với các địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, đối chiếu lại với một số địa phương, chẳng hạn như đối với TP Hồ Chí Minh, dự toán thu NSNN 2023 được giao tăng 21,4% so với dự toán thu 2022, tương đương hơn 82 nghìn tỷ. Đây là con số rất lớn và rất đáng băn khoăn như ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) đã phân tích.
Bởi vậy, nên chăng Chính phủ, Bộ Tài chính tính toán thêm về dự toán thu NSNN giao cho các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có TP HCM, bảo đảm khoa học, hài hòa phù hợp đối với mặt bằng chung của cả nước. Bởi thực tế từ địa phương TP HCM, việc giao dự toán thu NSNN vừa sức với TP, nhất là trong điều kiện TP vừa mới phục hồi sau đại dịch Covid-19.Cũngnhư chúng ta cần nuôi dưỡng nguồn thu, đồng thời cũng là một trong những chính sách nằm trong tổng thể các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho TP có thêm sức mạnh, thêm điều kiện thuận lợi để phát triển, qua đó thực hiện tốt hơn vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định.
ĐBQH Đỗ Đức Hiển phát biểu tại Đoàn TP HCM. |
Dư địa nền kinh tế số còn rất lớn
- Đó là về công tác dự báo, còn về cơ cấu nguồn thu năm nay có gì cần lưu ý không, thưa ông?
ĐBQH Đỗ Đức Hiển: Liên quan đến cơ cấu nguồn thu, qua thảo luận nhận định chung cho rằng tỷ trọng thu từ đất đai vẫn còn lớn; thu từ 3 khu vực sản xuất kinh doanh doanh còn hạn chế. Riêng đối với cá nhân tôi, qua phân tích số liệu thu NSNN từ các sắc thuế cho thấy cũng còn có một vài điểm băn khoăn.
Trước hết, thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) năm nay tiếp tục là một trong các sắc thuế đóng góp thu lớn nhất cho NSNN; thực hiện trong 9 tháng đã vượt dự toán cả năm. Thu từ Thuế TNCN năm nay ước tăng 27,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán (23,4%); số tăng chủ yếu nhờ tăng thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công. Với số tăng thu cao như vậy trong điều kiện đời sống cán bộ, công chức, người lao động hiện nay còn rất khó khăn sẽ đặt ra dấu hỏi liệu có gì bất cập, thiếu hợp lý hay không cũng cần nghiên cứu, làm rõ.
Mặt khác, như chúng ta đều biết, với sự phát triển của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở lên phổ biến. Doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Trong khi đó, mặc dù đã rất nỗ lực trong việc chống thất thu, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, đồng thời có nhiều đổi mới thông qua việc xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài, nhưng con số hơn 3.100 tỷ từ việc thu thuế đối với lĩnh vực này như Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu cũng cho thấy kết quả này mới chỉ là bước đầu; dư địa thu cho NSNN từ lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. Do đó, tôi cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính sớm có giải pháp để tăng cường hơn nữa công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
-Trở lại với Thuế TNCN, vừa qua dư luận xã hội, người dân ở một số địa phương cũng đã có phản ánh một số bất cập trong việc thu loại thuế này. Quan điểm của ông vấn đề này?
ĐBQH Đỗ Đức Hiển: Thực tế cho thấy, Luật Thuế TNCN được Quốc hội thông qua năm 2007, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2012 và 2014. Thời gian qua, đúng là dư luận xã hội cũng như cử tri Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác phản ánh một số bất cập của Luật thuế này. Mặc dù, năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 54/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN, áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020, qua đó góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế từ tiền lương, tiền công; nhưng một số bất cập như cử tri đã phản ánh liên quan đến khoảng cách giữa các bậc chịu thuế, các chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế... hiện vẫn chưa được giải quyết.
Bên cạnh đó, mặc dù Luật thuế TNCN có quy định Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theonhưng mức thu nhập tính thuế thì không có quy định điều chỉnh theo CPI.
Đó là chưa kể thống kê CPI không thể bao gồm tất cả các loại chi phí và rổ hàng hóa tính CPI hiện nay cũng chưa phản ánh hết biến động giá cả của những hàng hóa, dịch vụ gắn liền với đời sống thực tế của người lao động, nên CPI biến động đến 20% thì tổng chi của hộ gia đình tăng hơn rất nhiều; trong khi đó hiện nay trung bình mỗi năm CPI tăng 3-4%, nếu theo quy định này thì phải đợi 5-6 năm mới giảm trừ gia cảnh cũng là điểm cần cân nhắc, đánh giá bảo đảm sát hơn với thực tế cuộc sống. Do đó, tôi cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế TNCN, nếu cần thiết báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.