Theo nữ phóng viên trên, trong không khí rất trang nghiêm, khi nữ chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam đặt tay lên bản Hiến Pháp, tuyên thệ trước cờ Tổ quốc, trước nhân dân, thì ở dưới hội trường, các ĐB đã giơ điện thoại, máy tính bảng lên chụp.
Nữ phóng viên này cũng cho biết bà đã trực tiếp góp ý với Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại hành lang phiên họp ngay sau đó. Tuy nhiên, tình trạng đó vẫn tiếp diễn ở những lần tuyên thệ sau.
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội cho biết, không chỉ nữ phóng viên trên, mà nhiều phóng viên cũng đã có ý kiến với ông về chuyện các ĐBQH chụp ảnh trong lễ tuyên thệ của tân chủ tịch QH, về những ý kiến góp ý cho lễ tuyên thệ.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện nghi thức tuyên thệ. Cũng có nhiều ý kiến góp ý về nghi thức tuyên thệ như tại sao các ĐBQH ngồi ở dưới không đứng lên... Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy rằng lễ tuyên thệ ở các quốc gia khác có nơi thì đứng, có nơi thì ngồi. Nên việc đứng hay ngồi không phải là quy định bắt buộc.
Về hành vi chụp ảnh của các ĐBQH, tôi thấy đó là bình thường. Lần đầu tiên chúng ta có một vị chủ tịch Quốc hội là nữ. Lần đầu tiên một vị nữ Chủ tịch Quốc hội thực hiện nghi thức tuyên thệ rất long trọng, thiêng liêng. Giây phút đó hết sức, đặc biệt, rất xúc động nên các đại biểu muốn ghi lại dấu ấn của khoảnh khắc đó", Tổng thư ký Quốc hội nói.
Ông Phúc cũng thông tin thêm: Ở kỳ họp này, mặc dù cũng có ý kiến đóng góp để nghi thức tuyên thệ được hoàn thiện hơn, nhưng những sửa đổi, bổ sung nếu có sẽ được áp dụng ở những kỳ sau. Còn lần này, Quốc hội quyết định không thay đổi nghi thức tuyên thệ, bởi không thể mỗi người lại tuyên thệ một kiểu.
Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ. Đây là nghi lễ tuyên thệ đầu tiên của đất nước ta. Khi đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng, hướng về đình Tân Trào để tuyên thệ.