Phải khắc phục những biểu hiện xuống cấp về đạo đức
Phát biểu tại phiên họp, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề cập đến một nội dung mà theo ông “không mới nhưng không thể không quan tâm hơn”, đó là xây dựng một thế hệ con người Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, khắc phục những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống gần đây. Theo ĐB Thắng, đó là những hiện tượng mặc dù đơn lẻ ngoài xã hội nhưng không khỏi làm chúng ta giật mình và đau xót.
ĐB Thắng dẫn chứng 2 trường hợp gây xôn xao dư luận: Một nữ sinh viên năm thứ 4 được đánh giá là ngoan hiền, trong hơn nửa năm yêu 3 người, có thai với người đầu tiên, tiếp tục quan hệ với người thứ hai và sinh con trong nhà vệ sinh của người yêu thứ ba mới yêu được hơn 1 tháng. Nhưng quan trọng hơn, hành động của nữ sinh này vứt bỏ đứa con mình vừa dứt ruột đẻ ra từ cửa sổ nhà vệ sinh.
“Việc làm này xuất phát từ sự vô tình đến nhẫn tâm hay sự thiếu hiểu biết pháp luật hay do đạo đức lối sống hay cả mấy lý do đó?”, ĐB đặt vấn đề.
Trường hợp thứ 2 được ĐB Thắng đề cập là vụ một thiếu niên 15 tuổi bình thản giết một sinh viên làm thêm việc chở khách chỉ vì thích chiếc xe côn tay như của nạn nhân mà chưa có.
“Hành động này xuất phát từ những nguyên nhân nào nhưng chắc cũng có nguyên nhân từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, do đạo đức, lối sống của thiếu niên này”, ĐB Thắng nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết, vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có tiến hành khảo sát về đời sống văn hóa. Qua khảo sát, nhiều chuyên gia, người dân có nhận định đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp.
Theo vị ĐB, báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội cũng có đánh giá còn những biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội nhưng trong các báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm thì nguyên nhân và giải pháp để khắc phục những biểu hiện này dường như còn chưa đủ.
“Con người là nguồn lực quan trọng nhất của phát triển, của tương lai đất nước. Từ những phân tích trên, tôi đề nghị Chính phủ có những đánh giá sâu hơn về thực trạng, nguyên nhân của vấn đề này, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt Nghị quyết 33 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, ông nói.
Cần đặc biệt đầu tư cho phụ nữ
ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu trong công tác gia đình, tác động mặt trái của cơ chế thị trường đã khiến nhiều gia đình đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
“Một số gia đình định hướng giá trị bị sai lệch, mối quan hệ trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, không ít gia đình bỏ mặc con tự xoay sở trong điều kiện mạng xã hội phát triển, khó kiểm soát. Sự thiếu hụt kiến thức của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng 25% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhiều hội chứng tâm lý xã hội nảy sinh như stress, trầm cảm, tự tử”, ĐB Hà nhận định.
Nữ ĐB dẫn chứng, năm 2018, số vụ và số đối tượng thanh, thiếu niên phạm tội đều tăng khoảng 30%. Một số gia đình không còn là nơi an toàn, không còn là điểm tựa cho các thành viên khi tệ nạn xã hội đã hỏi thăm, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em vẫn rất nhức nhối, tác động nghiêm trọng đến sự bền vững của gia đình và phát triển của trẻ.
Theo thống kê, khoảng 60% vụ xâm hại trẻ em là từ người thân quen, 77% số vụ ly hôn có nguyên nhân từ đánh đập, ngược đãi, nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè.
Cùng với đó, dịch vụ hỗ trợ xây dựng gia đình, giúp việc gia đình, chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu các chương trình, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng đối với các loại hình gia đình…
Để góp phần giải quyết những vấn đề trên, ĐB Hà cho rằng cần quan tâm một số giải pháp.
Trong đó, giải pháp căn bản, quan trọng, gốc rễ là công tác giáo dục gia đình, nâng cao năng lực chủ của từng gia đình, xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục cha mẹ, giáo dục tiền hôn nhân.
Thứ hai, bên cạnh sự chủ động của mỗi gia đình cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, tập trung các hoạt động mang tính phòng ngừa, ứng phó với các vấn nạn xã hội và nghiên cứu để gắn tổ chức bộ máy về công tác gia đình với công tác trẻ em cho phù hợp, hiệu quả.
Cùng với đó, cần chú trọng xây dựng chính sách quản lý, khuyến khích, phát triển các dịch vụ hỗ trợ gia đình.
“Tôi đặc biệt khuyến nghị phát triển hai mô hình đã khẳng định được hiệu quả, đó là mô hình ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bị mua bán trở về. Nhiều chị, nhiều cháu trong số đó ở vào hoàn cảnh cùng cực, đáng thương và khủng khiếp hơn rất nhiều so với những nhân vật mà một số bộ phim truyền hình đang chiếu. Mô hình phòng tham vấn, tư vấn, trong đó có phòng tư vấn học đường cũng cần được quan tâm nhân rộng vì nó góp phần rất quan trọng trong hỗ trợ giải quyết các vấn đề khủng hoảng cá nhân, góp phần ngăn chặn những hệ lụy mà đặc biệt đối với các em học sinh và sinh viên”, ĐB nói.
Vẫn theo ĐB Hà, muốn xây dựng gia đình, phải quan tâm đến sự phát triển tiến bộ của tất cả thành viên trong gia đình, trong đó cần đặc biệt đầu tư cho phụ nữ với vai trò là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người và cho trẻ em với vai trò là tương lai của gia đình, của đất nước.
“Nhà triết học, đại thi hào Tago đã nói: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một phụ nữ thì được một gia đình”. Chúng tôi cho rằng, khi một người phụ nữ được đầu tư, được chuẩn bị đầy đủ hành trang kiến thức về kỹ năng văn hóa, thẩm mỹ, về đạo đức, lối sống thì sẽ không có những trường hợp đau lòng như vừa rồi, ở chung cư một người mẹ trẻ đã ném con của mình đi”, ĐB nói.