Hôm qua, thảo luận ở Tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỏ ra lo ngại khi năm 2013 vừa qua, Nhà nước hụt thu quá lớn, trong khi nhiều khoản chi không những được cắt giảm mà còn vượt dự toán.
Cơ cấu lại việc chi
Hơn 63 ngàn tỷ đồng hụt thu năm 2013 là con số được rất nhiều Đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm. Mặc dù Chính phủ cũng như Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến hụt thu nhưng nhiều ĐB vẫn chưa hài lòng.
ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) muốn Chính phủ báo cáo thêm về những hạn chế trong thu - chi ngân sách, đặc biệt là tình trạng quỹ ngoài ngân sách còn nhiều. ĐB Phương đặt câu hỏi: “Vì sao không quản lý được, làm cho nguồn lực ngân sách bị phân tán”, đồng thời đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quản lý chặt tài sản công, đặc biệt là đất đai, việc sử dụng, cho thuê hay bỏ hoang là rất lãng phí một nguồn lực lớn trong khi có thể đem ra cho thuê hay đấu giá… Tương tự là quản lý việc khai thác khoáng sản ở các địa phương. Nếu quản lý chặt hai lĩnh vực này, có thể tăng nguồn thu.
ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng mong: “Chính phủ lý giải rõ hơn thu ngân sách, việc chi đầu tư công tốc độ giảm mạnh những năm trước nhưng nay tăng chi thì dựa vào đâu? Cơ chế chính sách ta nói tồn tại nhưng là ở Trung ương hay địa phương”. Quan trọng, theo ông Hùng là phải cơ cấu lại thu – chi, xác định chi trên cơ sở thu thì mới bình ổn, cân đối được kinh tế vĩ mô.
Dẫn ra nhiều tồn tại trong công tác thu - chi ngân sách như tình trạng nợ đọng thuế, chuyển giá, chính sách tài khóa…, ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) cũng cho rằng: “Báo cáo phải nhìn nhận rõ những nguyên nhân thuộc về chủ quan, trong đó có vấn đề điều hành của Chính phủ”. Ông Chiểu gay gắt: “ĐBQH phải được biết thực trạng ngân sách hiện nay ra sao, Chính phủ phải công bố, vì nếu ĐBQH không biết là chưa hoàn thành chức trách “người đại biểu của dân”.
Đồng tình, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nhấn mạnh đến các nguyên nhân chủ quan trong công tác điều hành. Đại biểu Lê Thanh Vân nói: “Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng do công tác dự toán thu quá lạc quan nên không thực hiện được. Công tác dự toán thu đã được tiến hành thận trọng, vì luôn dựa vào mức thực hiện của năm trước. Cho nên phải khẳng định rất rõ rằng hụt thu năm nay là do kinh tế thực sự trầm lắng, sản xuất kinh doanh suy giảm. Nói cách khác, chúng ta đã chưa nhận thức đúng đắn khó khăn của nền kinh tế”.
Phân tích thêm về những khó khăn trong thu – chi ngân sách năm vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển thừa nhận: “Nhu cầu chi đã đáp ứng cơ bản những vấn đề bức xúc nhưng việc hụt thu làm ngân sách hết sức căng thẳng”. Năm 2014, theo ông Hiển, phải có những giải pháp hết sức tích cực, quan trọng là cơ cấu lại việc chi, trong đó có chi đầu tư. “Chỉ khi nào cơ cấu lại chi trên cơ sở yếu tố thu thì mới giải quyết được tình trạng vượt chi. Ngay cả Quốc hội khi quyết một nội dung mới thì phải tính xem nguồn thu ở đâu ra” - ông Hiển nói.
Khắc phục cơ chế xin - cho
Thảo luận về sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, ĐBQH ghi nhận những kết quả sau thời gian thực hiện chương trình. Tuy nhiên, nhiều ĐB tỏ rõ sự quan ngại khi nhiều chương trình chồng lấn gây lãng phí.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng vẫn còn sự chồng chéo, dàn trải, dẫn đến chi ngân sách phân tán, kém hiệu quả. “Có ý kiến nhận xét rằng Chương trình 135 được triển khai theo kiểu 5-3-1; nghĩa là về đến địa phương thì chẳng còn được là bao. Công tác quản lý của Chính phủ đối với các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chưa tiếp thu ý kiến của Quốc hội về nhiều vấn đề” - bà Khánh nói.
ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam) ghi nhận: “Những năm trước, số lượng chương trình mục tiêu quốc gia nhiều hơn nhưng năm nay chỉ còn 16”, tuy nhiên ĐB đề nghị cần giảm hơn nữa. Theo đó, nên có sự ưu tiên, tập trung vào các chương trình như giảm nghèo nên hoàn thành sớm hơn; xây dựng nông thôn mới; ứng phó với khí hậu, biến đổi môi trường và cũng nên có chương trình dành cho phát triển kinh tế biển. Đây cũng là ý kiến của ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình). Bên cạnh đó, ĐB Quang đề nghị ngoài các chương trình dành cho các tỉnh nghèo, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cần quan tâm đến đồng bào ở những nơi bị thiên tai.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đồng ý vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia mà Nghị quyết Quốc hội đã quyết định, không mở rộng thêm. Nhưng về lâu dài, ông Quyền đề nghị đưa việc chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia vào một số chương trình lớn, còn đâu rà soát lại và đưa vào chi thường xuyên để khắc phục cơ chế xin – cho và bảo đảm minh bạch hơn…