Nhiều khoản nợ công đang gần ngày phải trả

(PLO) - Trước những khó khăn của các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2013 và dự báo của năm 2014, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ lo ngại cho bài toán về an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân, trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội vẫn tiềm ẩn “những vấn đề đe dọa đến tính bền vững”.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ
Ngân sách thu không đủ chi 
Cơ bản đồng tình với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 theo báo cáo của Chính phủ và các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, nhưng đánh giá của ĐBQH về tình hình KT-XH lại theo hai hướng: “Có ý kiến cho rằng triển vọng tốt, nền kinh tế đang đi lên, song có ý kiến lại cho rằng chưa tìm thấy đáy khủng hoảng và nền kinh tế vẫn đang đi xuống”.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến năm 2014, nợ công mới gần bằng 60% GDP và “trong mục tiêu cho phép”, nhưng  nhiều ĐBQH lo ngại về vấn đề nợ công vì “cường độ trả nợ là rất cao và năm 2015 – thời điểm phải thanh toán nhiều khoản nợ công đang đến gần” nên như phân tích của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, “nợ công trong giới hạn cho phép nhưng chưa an toàn thực sự”. 
Còn Đại biểu (ĐB) Lê Đình Kha (Hải Dương) cảnh báo mạnh mẽ: “Ngân sách thu không đủ chi, nếu không cho bội chi, phát hành thêm trái phiếu thì vỡ nợ. Nợ năm 2011-2012 chưa trả xong lại đến nợ năm 2013. Lần này Chính phủ đề nghị bội chi để trả nợ. Đi vay để trả nợ mà cứ bảo yên tâm (đáo nợ), lãi mẹ đẻ lãi con càng ngày sẽ càng khó khăn hơn. Trong khi đó, chính sách không ổn, chắp vá, không đúng tầm, chứng tỏ nguy cơ tụt hậu kinh tế của chúng ta đã đến rồi”. 
Trước những đánh giá của Chính phủ về tình hình KT-XH năm 2013, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng “hơi hồng” với những con số mâu thuẫn nhau, nhất là giữa tỷ lệ GDP (5,4%) thiếu 0,1% so với Nghị quyết của Quốc hội nhưng thất thu ngân sách nhà nước lại đến tận 63.000 tỷ đồng. “Nếu không bắt đúng bệnh, rà soát đủ thì với số liệu không chính xác sẽ có những giải pháp không trúng” – ĐB này nhận định.
Chưa đảm bảo được nguồn lực tái cơ cấu
Đó là một trong những nguyên nhân khiến tiến tình tái cơ cấu nền kinh tế đang chững lại và “chỉ mới có kết quả tổng thể mà chưa đi vào thực chất” như đánh giá của nhiều ĐBQH. ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) nhận thấy, chưa tạo được chuyển biến cơ bản trong 3 đột phá chiến lược vì Nhà nước không đủ nguồn lực để bảo đảm, cung cấp cho tái cơ cấu nền kinh tế. 
Vì thế, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, “với nguồn lực không quá nhiều nên không thể dàn hàng ngang tái cơ cấu đồng đều mà cần chọn các mũi nhọn để thực hiện trước…”. Tán thành, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nhấn mạnh phải phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên, bỏ chính sách đa mục tiêu, chấp nhận cả những hạn chế, tác động tiêu cực, tập trung 3 khâu đột phá, nhất là phát triển hạ tầng làm cơ sở phát triển kinh tế vững vàng. 
Và đối với nhiều ĐBQH, cần ưu tiên tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và nông nghiệp vì tình trạng “được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được khắc phục, các chính sách trong nông nghiệp chưa sát thực tiễn, ít quan tâm đến giá trị đầu ra của chuỗi sản phẩm nông nghiệp nên đã có tình trạng “nông dân bỏ đất, không yên tâm sản xuất”…
* Đại biểu Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp: 
“Cần xã hội hóa rộng rãi những lĩnh vực, những việc xã hội tự làm được”
- Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội như báo cáo của Chính phủ đã nêu, song những kết quả đó chưa phát huy được hết tiềm năng, trí tuệ của đất nước. Vì vậy, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn nhấn mạnh đến “bước đột phá về tư duy phát triển” mà cụ thể nhất là tập trung vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó quan trọng nhất là việc sửa đổi Hiến pháp lần này.
Đại biểu Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Đại biểu Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp 
Muốn thu hút đầu tư nước ngoài, phát huy nội lực, phát triển nền kinh tế thị trường thì cần xã hội hóa rộng rãi những lĩnh vực, những việc xã hội tự làm được. Nhà nước chỉ tạo hành lang pháp lý và kiểm tra, kiểm soát tốt các hoạt động này, chứ không ôm đồm quá nhiều như hiện nay. Chỉ những gì xã hội không làm, không làm được thì Nhà nước mới phải đứng ra chăm lo. Đó là định hướng XHCN như nhiều nước đã làm rất hiệu quả (dù với các hình thức khác nhau) với mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh”.
Thực tế, nhiều vấn đề không làm được, lúng túng vì bị bó buộc bởi qui định của pháp luật và Hiến pháp nên nếu không đột phá tư duy ngay trong sửa đổi Hiến pháp lần này thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn, kể cả chống tham nhũng cũng chỉ được phần ngọn, chứ không thể chống được từ gốc.
* Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa): 
“Cần đối phó với tình trạng tăng trưởng thấp”
- Cần quan tâm, đối phó ngay với tình trạng tăng trưởng thấp hiện nay để không gây ra hệ lụy là sẽ xói mòn, mất ổn định vĩ mô bởi tăng trưởng mà lẹt đẹt thì thu ngân sách ảnh hưởng. Muốn thế phải duy trì được tổng cầu, phải có thị trường tiêu dùng hàng hóa. Lựa chọn một số nội dung cốt yếu của tái cơ cấu nền kinh tế năm 2014-2015 để tạo hiệu ứng lan tỏa là doanh nghiệp nhà nước và nông nghiệp vì động lực phát triển khu vực nông nghiệp “đã cạn kiệt, phải tìm động lực mới”, còn doanh nghiệp nhà nước mới chỉ tái cơ cấu được phần ngọn chứ chưa chạm đến gốc. Xây dựng một kế hoạch ngân sách trung hạn, ngân sách chi tiết hàng năm để nhìn rõ nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia và chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia.
* Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái): 
Băn khoăn lớn nhất là đời sống người dân còn nhiều khó khăn
- Chính phủ và địa phương đã có nhiều nỗ lực để khôi phục nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nhưng băn khoăn lớn nhất là đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Khả năng ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu còn thụ động nên “bao năm gây dựng cơ nghiệp, gặp thiên tai lại về “mo”. Nhiều vấn đề đang nói nhiều hơn làm, sự vào cuộc của các cấp, các ngành còn chưa ăn khớp khiến người dân vùng thiên tai phải hứng chịu hết. Nên dù khó khăn đến đâu cũng phải đầu tư nguồn lực cho vùng bị nạn.
* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): 
“Soi vào đâu cũng có vấn đề”
- Từng địa phương “soi vào đâu cũng có vấn đề” do sơ hở trong quản lý, không xem xét đầy đủ trách nhiệm của cá nhân khi có sự cố, sự việc xảy ra, chưa được thực nghiệm đầy đủ đã triển khai…  nên thời gian tới, Chính phủ cần chấn chỉnh, quản lý từ đầu tư các lĩnh vực đến biên chế, nếu cứ để như hiện nay sẽ còn xảy ra nhiều vấn đề.
* Đại biểu Phạm Hồng Hà (Nam Định): 
“Cần đột phá cả về  tầm nhìn”
- Tái cơ cấu nền kinh tế mới chú ý về tổng thể, chưa đột phá cả về tầm nhìn, chính sách và đầu tư, khâu then chốt để kéo toàn nền kinh tế đạt mục tiêu về tầm nhìn nên Chính phủ cần chỉ đạo xác định loại sản phẩm, ngành kinh tế, địa phương, cơ chế, chính sách có tính đột phá. Nếu cứ tái cơ cấu như vậy sẽ không có đổi mới.

Đọc thêm