ĐB Bùi Mạnh Hùng đến từ tỉnh Bình Phước chất vấn Viện trưởng viện KSND Tối cao về vụ án Ban quản lý chợ Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước được dư luận trong tỉnh quan tâm theo dõi.
ĐB cho rằng sự việc rất đơn giản nhưng do hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao nên cấp dưới rất lúng túng và để kéo dài nhiều năm.
ĐB cho biết: Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội tôi đã đề cập đến vụ án này và đã được đồng chí Viện trưởng tiếp thu, trao đổi là sẽ kiểm tra cụ thể, chỉ đạo giải quyết và sẽ thông báo lại. Ngày 29/12/2014 Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã tiến hành giám sát vụ án này.
Trong Báo cáo số 870 của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khẳng định: Vụ Đặng Công Văn và Bùi Văn Quỳnh Ban quản lý chợ Đồng Xoài đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính, xử lý kỷ luật được hơn 3 năm vẫn bị khởi tố hình sự về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đến năm 2014 vụ án phải đình chỉ, rõ ràng việc khởi tố, xử lý hình sự đối với ông bà trên là sai, vì đã có xử lý 2 lần trong cùng một vi phạm pháp luật.
QH cũng đã yêu cầu Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để oan sai, báo cáo QH. Từ đó ông Văn và ông Quỳnh đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại và cho rằng các ông đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan sai.
Viện kiểm sát nhân dân thị xã Đồng Xoài ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với các ông theo quy định Khoản 2, Điều 25 của Luật tố tụng hình sự là không đúng pháp luật.
"Tôi cũng đã nhiều lần chuyển đơn của 2 ông đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, mặc dù đã quá hạn rất nhiều lần những không được hồi âm. Đến ngày 2 tháng 10 năm 2015, tức là trước khi Kỳ họp thứ 10 tôi đã gửi phiếu chất vấn tới Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao.
Ngày 19 tháng 10 năm 2015 tôi đã nhận được văn bản phúc đáp của ông Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong ký. Ông Nguyễn Hải Phong không trả lời thẳng vào nội dung chất vấn của tôi và cho rằng Viện kiểm sát đình chỉ bị can đối với ông Đặng Công Văn và ông Bùi Văn Quỳnh là có căn cứ và quyết định giải quyết khiếu nại của ông mà Viện kiểm sát nhân dân thị xã Đồng Xoài xử lý ngày 16 tháng 12 năm 2014, tức là trước khi đoàn giám sát đến làm việc là quyết định giải quyết cuối cùng", ĐB nói.
“Tôi xin được hỏi đồng chí Viện trưởng: Tại sao một vụ án không phức tạp nhưng lại để kéo dài tới gần 10 năm và kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 về vụ án này là đúng hay sai?” – ĐB Bùi Mạnh Hùng đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn này, ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC khẳng định đã trả lời đại biểu cũng như những người có liên quan.
Viện trưởng VKSNDTC cho rằng vụ án không kéo dài. Ông phân tích: Vụ án được khởi tố tháng 7 năm 2009, xét xử tháng 7 năm 2011, đến tháng 10 năm 2013 là đã đình chỉ và không xem xét nữa. Sở dĩ kéo dài cho đến nay là do quá trình xem xét và trả lời đơn thư khiếu kiện và trả lời đại biểu Quốc hội nên kéo dài cho tới năm 2015, còn vụ án đã được khép lại từ năm 2013, không phải cho đến nay vẫn còn đang xem xét về vụ án. “Như vậy, nói là giải quyết vụ án 10 năm thì tôi thấy cũng chưa thỏa đáng.” ông nói.
Thứ hai là trách nhiệm của Viện kiểm sát, tháng 12/2014 có Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, tháng 6/2015 có Nghị quyết 96 của Quốc hội về giám sát oan sai, sau Nghị quyết 96 này, tức là từ tháng 6 đến nay, từ kỳ họp thứ 9 đến nay giao cho các cơ quan tư pháp xem xét lại một số vụ án, trong đó có vụ án Đồng Xoài, đoàn liên ngành vào kiểm tra xem xét, đánh giá và kết quả khẳng định đây không phải vụ án oan sai.
“Chúng tôi đã trả lời không có oan. Việc bồi thường oan sai chỉ có đối với những trường hợp hoàn toàn không có vi phạm gì, còn ở đây có vi phạm.” – ông khẳng định.
Không hài lòng với câu trả lời, ĐB Bùi Mạnh Hùng vẫn đưa ra các viện dẫn để khẳng định vụ án kéo dài: “Như vậy là hơn 8 năm”.
Về Kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc báo cáo trước Quốc hội, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng chất vấn: “Nếu đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát thấy không đúng thì ít nhất đồng chí cũng phải tranh luận trước Quốc hội phủ quyết việc này. Bây giờ không thực hiện đồng chí vẫn cứ bảo lưu, khi trả lời vẫn bảo lưu ý kiến. Đoàn giám sát đến, vẫn cứ cho cái đó là đúng. Chỗ này không để ý đến kết luận của đoàn giám sát cũng như báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tôi muốn nêu vấn đề đó đề nghị đồng chí giải thích cho rõ.”
Vẫn bảo vệ quan điểm của mình, Viện trưởng VKS NDTC cho rằng: Việc khởi tố vụ án là thời điểm phát sinh tố tụng, cho nên không thể nói sự kiện phạm tội năm 2006 bắt đầu giải quyết năm 2006. Có thể sự kiện phạm tội xảy ra trước đó nhưng khi phát hiện được thì cơ quan điều tra khởi tố lúc nào thì vụ án phát sinh từ lúc đó. Vụ án được khép lại bằng quyết định đình chỉ vào năm 2013.
Về kết luận của Đoàn giám sát của Thường vụ Quốc hội, ông khẳng định: Chúng tôi làm việc rất nghiêm túc và cử người vào xem dấu hiệu này có đúng không. Trong đó cũng nói là đã xử lý hành chính thì không xử lý hình sự nữa. Báo cáo Quốc hội, việc xử lý hành chính buộc thôi việc một cán bộ công chức có vi phạm không thay thế được xử lý hình sự. Nếu như tất cả các đối tượng tham nhũng có thể né tránh được phiên tòa xét xử tội phạm bằng việc thôi việc thì chuyện đó rất nguy hiểm.