Đề án bệnh viện vệ tinh giảm tải tuyến trên: Kỳ vọng nhiều, kết quả không như mong muốn

(PLO) - Giải pháp Đề án Bệnh viện vệ tinh được Bộ Y tế thực hiện từ năm 2013 được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên, nhưng kết quả lại không được như mong muốn.
Tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên vẫn diễn ra
Tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên vẫn diễn ra

Thêm 3 bệnh viện đưa vào Đề án

Bộ Y tế vừa phê duyệt bổ sung thêm chuyên khoa ưu tiên và danh sách bệnh viện tham gia đề án Bệnh viện (BV) vệ tinh giai đoạn 2016-2020 (đợt 2).  Theo đó, sẽ có thêm chuyên khoa nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc và bổ sung thêm BV nội tiết Trung ương, BV Thống nhất, BV Đại học Y dược TP HCM, BV Đại học Y Hà Nội tham gia thực hiện nhiệm vụ của BV hạt nhân theo Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013 -2020.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có Quyết định phê duyệt đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 với mục tiêu: Hình thành và phát triển mạng lưới BV vệ tinh gồm một số BV trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM, Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh thành trực thuộc Trung ương về các chuyên khoa hiện tại đang quá tải trầm trọng. 

Quyết định này còn nhằm mục đích giảm tối thiểu 15% tỷ lệ chuyển tuyến từ BV vệ tinh lên BV hạt nhân so với trước khi thực hiện đề án. 100% BV hạt nhân thực hiện việc chuyển bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục về BV vệ tinh, giúp rút ngắn thời gian điều trị trung bình tại BV hạt nhân.  

Như vậy, ngoài 3 BV mới được bổ sung lần này, hiện cả nước đang có 22 BV hạt nhân với 98 BV vệ tinh, 10 chuyên ngành là nội, ngoại – chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc nằm trong Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2016-2020. Trong đó, BV Bạch Mai có số BV vệ tinh nhiều nhất là 23 BV.  

Theo Bộ Y tế, giải quyết tình trạng quá tải BV là một trong các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của ngành này. Ngoài đầu tư xây mới nhiều BV, thực hiện luân phiên bác sĩ, ban hành tiêu chí đánh giá Chất lượng BV, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, việc thành lập mạng lưới BV vệ tinh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới… được coi là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu của ngành y tế giai đoạn hiện nay.  

Các bệnh viện không mặn mà

Đề án được thực hiện từ năm 2013 nhưng sau 3 năm thực hiện kết quả mang lại không như mong muốn khi tình trạng quá tải ở không ít BV tuyến trên vẫn diễn ra hết sức căng thẳng.  

Tại Hội nghị tập huấn xây dựng dự án BV vệ tinh giai đoạn 2016 - 2020 được Bộ Y tế tổ chức mới đây, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh kêu ca nhiều BV rất thờ ơ không cử lãnh đạo tham dự để nắm vấn đề về xây dựng và triển khai dự án của BV hạt nhân. Ông Khuê nói rằng nếu lãnh đạo các BV không sát sao thực hiện thì Đề án BV vệ tinh, giảm quá tải BV sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.  

Theo tìm hiểu của PLVN, sỡ dĩ các BV từ hạt nhân cho đến vệ tinh không muốn thực hiện đề án vì lợi ích mang lại cho họ không nhiều, nhất là nguồn lực đầu tư. “Nhiều BV đã tham gia Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013 - 2015 nhưng không được cấp đủ kinh phí, đầu tư trang thiết bị, bố trí đủ nhân lực để đảm bảo Điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên”, lãnh đạo một BV vệ tinh phàn nàn.

Trước tình trạng đề án trên khó đi vào cuộc sống, ngày 11/3/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Y tế chỉ đạo các BV tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các BV. 

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư và các nguồn vốn ODA cho việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho các BV thực hiện Mục tiêu giảm quá tải. Bộ Tài chính bố trí đủ, kịp thời kinh phí để triển khai các giải pháp giảm quá tải BV theo quy định.  

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các BV trên địa bàn tham gia Đề án BV vệ tinh; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương để các BV vệ tinh trên địa bàn đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các BV hạt nhân; có chính sách ưu tiên thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng làm việc lâu dài tại các cơ sở khám, chữa bệnh của địa phương”, chỉ thị yêu cầu.

Đọc thêm