Đề án giải quyết việc THADS chưa có điều kiện thi hành: Các giải pháp phải toàn diện

(PLO) - Bộ Tư pháp vừa tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập đề án giải quyết việc thi hành án dân sự chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm. Chủ trì cuộc họp là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng – Trưởng ban soạn thảo.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo sơ kết các quy định về miễn giảm các khoản thu nộp ngân sách nhà nước và các quy định về việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành, sau gần 3 năm triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) 2008 và Thông tư 12, các cơ quan THADS đã chủ động, tích cực phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát các cấp thực hiện việc miễn, giảm các khoản thi hành án cho thu ngân sách nhà nước và giải quyết được lượng lớn các vụ việc thi hành án chưa có điều kiện.

Cụ thể, năm 2014, đề nghị xét miễn, giảm 8.086 việc với số tiền gần 47 tỷ đồng. Kết quả đã xét miễn, giảm được 7.470 việc tương ứng với số tiền hơn 44 tỷ đồng, tăng 1.464 việc và hơn 11 tỷ đồng so với năm 2013. Năm 2015 đề nghị xét miễn, giảm 9.099 việc với số tiền là hơn 42 tỷ đồng, kết quả đã xét, miễn giảm được 8.238 việc với số tiền hơn 39 tỷ đồng. Năm 2016 đề nghị xét, miễn giảm 7.795 việc với số tiền hơn 152 tỷ đồng (giảm 299 việc nhưng tăng hơn 113 tỷ đồng). Năm 2017 đề nghị xét miễn, giảm 7.145 việc với số tiền hơn 172 tỷ đồng. Kết quả đã xét miễn, giảm được 6.451 việc với số tiền gần 40 tỷ đồng (việc giảm 720 việc và hơn 112 tỷ đồng).

Nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế trên về mặt chủ quan là do công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; Việc kiểm tra công tác phân loại hồ sơ thi hành án chất lượng còn chưa cao; Công tác xác minh điều kiện thi hành án chưa được quan tâm đúng mức, nhiều vụ việc còn chậm… Về khách quan, quy định của pháp luật về điều kiện xét miễn, giảm thi hành án vẫn còn bất cập, hạn chế hoặc vẫn còn thiếu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; Người phải thi hành án hầu hết không có điều kiện thi hành, không có địa chỉ, đa phần là đối tượng đi tù, ra tù lại nghiện hút hoặc bỏ địa phương đi không rõ nơi cư trú, sống lang thang, thu nhập không ổn định nên không thi hành được một phần nghĩa vụ (1/50) theo quy định để cơ quan thi hành án làm thủ tục xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án…

Trước thực trạng này, Bộ Tư pháp đã lập Đề án giải quyết việc THADS chưa có điều kiện thi hành, đã tồn đọng nhiều năm. 

Sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập về nhiều vấn đề, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết đây là một việc rất khó bởi không cẩn thận dư luận sẽ hiểu nhầm không làm được thì đề nghị xóa. “Chúng ta làm đề án không nên đặt ngay phạm vi hẹp hay rộng. Chúng ta phải đưa hết các vấn đề ra, lúc đó mới tính toán được cái gì đã làm rồi, cái gì cần sửa luật, cái gì cần xóa bỏ hoàn toàn. Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu đề án ở mức rộng hơn”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nói.

Tiếp lời, Thứ trưởng cho rằng trong đề án này, các giải pháp phải toàn diện, lâu dài phải xin phép sử dụng luật, ngắn hạn ta phải xóa bỏ, sau này không đưa vào thống kê nữa; Bao nhiêu vụ việc từ năm nào tới năm nào, bao nhiêu vụ 20 năm, 10 năm, dân sự, hình sự, doanh nghiệp phá sản hoặc không phá sản vẫn còn hoạt động hay không hoạt động, phải phân định ra. 

Bên cạnh đó, cũng phải tính toán xem đề án này giảm được bao nhiêu chi phí cho ngân sách nhà nước, bởi hàng năm chấp hành viên vẫn phải theo; Cần phối hợp với đơn vị chuyên môn nghiệp vụ để đánh giá một cách toàn diện, căn cơ… Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng đề nghị tổ công tác trình lại kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ, bằng mọi giá năm nay không chậm đề án này.

Đọc thêm