Đề án kiểm soát khí thải "bỏ quên" nông thôn

Theo Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt thì vùng nông thôn và các đô thị loại 3, loại 4… sẽ không phải kiểm soát khí thải xe máy. Bên cạnh ý kiến đồng tình, không ít người lo ngại sau Đề án, nông thôn sẽ là nơi “tiêu thụ” các loại xe gắn máy quá đát và hứng chịu ô nhiễm.

Theo Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt thì vùng nông thôn và các đô thị loại 3, loại 4… sẽ không phải kiểm soát khí thải xe máy. Bên cạnh ý kiến đồng tình, không ít người lo ngại sau Đề án, nông thôn sẽ là nơi “tiêu thụ” các loại xe gắn máy quá đát và hứng chịu ô nhiễm.

TIN LIÊN QUAN

Không kiểm soát: dân vô tư “chạy”!

Sau nhiều năm đi biển không có lãi, vài năm nay, vợ chồng anh Lâm Tuấn Ngọc (xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) chuyển sang  nghề buôn nước mắm. Anh Ngọc được anh trai (công tác ở Hà Nội) cho một chiếc xe máy Dream cũ để làm phương tiện vận chuyển. Chiếc xe đã chạy được hơn chục năm, tiếng máy kêu như tiếng máy cày. Vì không có tiền bảo dưỡng, xe lại đèo nước mắm nên không chỉ vành xe và nan hoa bị han gỉ mà phần ống pô xe cũng bị bong tróc từng mảng. Tắt máy thì thôi, hễ nổ máy là khói phun mù mịt... “Biết là xe thải nhiều khói đen, nhưng có sửa cũng chả ăn thua, vì xe đã nát rồi. Với lại, Cảnh sát giao thông có bắt những xe nhả khói đen đâu?”- anh Ngọc hồn nhiên. 

Ở các vùng quê, các loại xe “đời cổ” như gia đình anh Ngọc không phải là hiếm. Chính vì tâm lý “tiếc của”, xe cũ bán không ai mua, vứt đi thì không đành nên nhiều chiếc xe dù đã chạy hết đát, chủ nhân của nó vẫn chuyển về quê cho người nhà tiếp tục sử dụng. Ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí…mà những chiếc xe máy cũ là thủ phạm gây ra vẫn chưa có cơ quan nào xử lý. Người dân cứ vô tư sử dụng, coi đó là chuyện bình thường.

Và câu chuyện trên sẽ tiếp diễn cho tới nhiều năm về sau. Bởi theo Đề án, việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, trước mắt chỉ áp dụng tại các thành phố đặc biệt và thành phố loại 1, loại 2, còn vùng nông thôn và các đô thị loại 3, loại 4… sẽ được miễn trừ. Cơ quan soạn thảo văn bản trên cho rằng, việc làm này sẽ giảm bớt gánh nặng lên vai người dân khi không phải mất tiền phí kiểm định xe. Thứ nữa là do không khí vùng nông thôn chưa bị ô nhiễm nặng, mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí cũng không nhiều do ít người sinh sống, các hoạt động kinh tế cũng không lớn…

Đồng tình với quan điểm trên, Ông Nguyễn Thành Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: “Đúng là có thực tế các xe máy cũ, thậm chí gần hết đát thường được đẩy về vùng nông thôn. Xe càng cũ thì lượng khí thải thải ra càng nhiều. Tuy nhiên, vùng nông thôn không khí chưa bị ô nhiễm nặng, lượng xe máy lưu thông cũng ít nên vấn đề ô nhiễm không khí do khí thải xe máy chưa cần thiết phải đặt ra ngay”.

b
Đề án "bỏ rơi" nông thôn

Bao giờ mới áp dụng?

Có một thực tế đang diễn ra bấy lâu nay, đó là thành thị vẫn thường được ưu tiên hơn nông thôn trong một số dịch vụ. Như việc cắt điện chẳng hạn. Dù nắng nóng đến 38-39độ C thì nông thôn vẫn thường xuyên bị cắt điện, trong khi thành phố thì ưu tiên hơn. Và đến bây giờ, việc kiểm soát khí thải lại chỉ được làm ở những đô thị lớn. Nhiều người cho rằng, việc không áp dụng kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tại nông thôn và các đô thị loại nhỏ không phải là sự ưu ái mà là một sự phân biệt rõ ràng: thành thị thì có quyền được hưởng không khí trong lành, còn nông thôn thì không.

Luật sư Lê Thiên (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe máy là việc làm hết sức cấp thiết trong thực trạng ô nhiễm không khí báo động như hiện nay. Tuy nhiên, không nên áp dụng các biện pháp kiểm soát khí thải tập trung trước hết vào các đô thị lớn (đô thị đặc biệt, loại 1, 2) kiểu như các giải pháp chống ùn tắc giao thông hiện nay. Vì như thế có thể sẽ xuất hiện hiện tượng các xe cũ do tránh kiểm soát sẽ được đẩy về các vùng nông thôn, các khu vực chưa bị bắt buộc kiểm soát. Nếu hiện tượng này xẩy ra, người dân ở khu vực này chắc chắn phải hít phải khí thải ô nhiễm do các phương tiện cũ từ các khu vực bị kiểm soát đưa về. Nhìn vào đây có thể thấy đã có sự phân biết giữa thành thị và nông thôn đối với quyền được hưởng không khí trong lành, không ô nhiễm.

Theo Đề án, từ 1/1/2011 đến năm 2005 chỉ kiểm soát khí thải đối với xe máy tại các thành phố đặc biệt và TP loại 1, loại 2. Không rõ, sau năm 2015, vấn đề kiểm soát khí thải xe máy có được đặt ra với các vùng còn lại? “Theo tôi, nên chọn một khu vực nhiều ô nhiễm khí thải để áp dụng  làm thí điểm (chọn Hà Nội chẳng hạn), sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và cùng lúc nhân rộng ra cả nước. Có như thế việc kiểm soát khí thải mới đồng bộ và mục tiêu kiểm soát mới đạt được; người dân ở các nơi đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc chống khí thải ô nhiễm, được hưởng khí hậu trong lành”- Luật sư Thiên đề xuất.

Vân Thanh

Đọc thêm