Đề án NNPQ XHCN Việt Nam phải có các đột phá, cải cách cụ thể với tầm chiến lược

(PLVN) - Tinh thần trên được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc-Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” nhấn mạnh tại buổi làm việc ngày 14/3 với các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá tiến độ, thống nhất phương thức xây dựng dự thảo Đề án.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá tiến độ, thống nhất phương thức xây dựng dự thảo Đề án. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá tiến độ, thống nhất phương thức xây dựng dự thảo Đề án. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học đi sâu đúc kết thực tiễn, dày công nghiên cứu, đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi. Bởi đây là một tác phẩm khoa học phục vụ nhân dân trong quá trình phát triển đất nước, chứ không phải là một bản sao chép. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện để có dự thảo tốt nhất trình các cơ quan có thẩm quyền.

Chủ tịch nước đánh giá, qua hai lần hội thảo ở quy mô quốc gia, đã có nhiều ý kiến đề xuất rất đáng lưu ý của Tổ Biên tập, các chuyên gia, nhà khoa học. Nhờ đó, đã có được một đề cương dự thảo chi tiết, tuy chưa hoàn chỉnh, chưa nêu rõ được những đột phá... nhưng đây là đề cương tương đối tốt, đảm bảo những nguyên tắc lớn, những yêu cầu chủ đạo trong định hướng xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa (NNPQ XHCN) Việt Nam do nhân dân, vì nhân dân.

Cho rằng xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam phải đầy đủ, không né tránh những bất cập, tồn tại kéo dài, bất hợp lý hiện nay, Chủ tịch nước chỉ rõ, nếu chúng ta không sửa những bất cập, tồn tại thì chúng ta sẽ tiếp tục thất bại; đồng thời đề nghị làm rõ các vấn đề tồn tại trong các mặt lập pháp, hành pháp và những vấn đề khác được quy định trong Hiến pháp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc-Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc-Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Nhận xét về dự thảo và các chuyên đề, Chủ tịch nước lưu ý, những giải pháp mang tính đột phá luôn phải có bước đi, lộ trình phù hợp, tuy nhiên trong 27 chuyên đề mới chỉ đề cập đến “phần thô” mà chưa nêu bật được những vấn đề tồn tại lớn, nhất là định hướng thay đổi mạnh mẽ, trở thành những thành tố quan trọng trong xây dựng NNPQ XHCN Việt Nam, khắc phục các câu chuyện “quyền anh, quyền tôi” trong bộ máy Nhà nước.

Chủ tịch nước cho rằng xây dựng NNPQ XHCN không thể lấy kinh nghiệm của nước ngoài áp dụng vào Việt Nam, nhưng cũng phải đảm bảo những giá trị phổ quát. Tuy nhiên Chủ tịch nước nhấn mạnh, ở giai đoạn này các nhà khoa học phải đưa ra được các đột phá, các cải cách cụ thể với tầm chiến lược để xây dựng, hoàn thiện NNPQ Việt Nam XHCN phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và điều kiện thực tiễn của đất nước trong 8 năm nữa - khi Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nhấn mạnh đến các mốc thời gian quan trọng, Chủ tịch nước đề nghị cần sớm tổng kết các vấn đề còn nhạy cảm, phức tạp để báo cáo cơ quan có thẩm quyền trên tinh thần vì nước,vì dân, với phương pháp khoa học, đúng đắn và thuyết phục. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị Ban Nội chính trung ương, các nhà khoa học có kế hoạch phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền mạnh mẽ về tiến trình xây dựng Đề án quan trọng này đến các tầng lớp nhân dân và đảng viên.

Cùng với yêu cầu đảm bảo tiến độ, Chủ tịch nước đề nghị chú ý khâu lựa chọn sao cho tập hợp được đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học có năng lực, trình độ, có phẩm chất tốt tham gia ý kiến, góp phần vào việc hoàn thiện dự thảo Đề án đạt chất lượng cao nhất.

Về các nhiệm vụ cụ thể trong tháng 3 này, Chủ tịch nước đề nghị tập trung thực hiện tốt, hiệu quả hội thảo toàn quốc lần thứ ba; tiếp đó là tiến hành họp Ban chỉ đạo cho ý kiến về dự thảo lần một của Đề án; từ đó thống nhất những vấn đề cơ bản để tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, hoàn thiện dự thảo./.

Đọc thêm