Để con trẻ không phải “gánh” ước mơ của cha mẹ...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, ở thành phố, một số gia đình tạo “trào lưu” biến con thành “thần đồng”, hoặc xuất sắc trong đám đông. Một số bố mẹ đã lên kế hoạch “nhồi nhét” kiến thức cho con ngay từ khi con tập nói. Kỳ vọng của bố mẹ đã vô tình tạo ra áp lực lớn lên con.
Đừng bắt con thực hiện ước mơ của bố mẹ. (Ảnh minh họa)
Đừng bắt con thực hiện ước mơ của bố mẹ. (Ảnh minh họa)

Nhồi nhét học để con xuất chúng

Anh Nguyễn Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã lên lịch “tăng cường IQ” cho con chi tiết từng tuổi. Theo đó, con 2 tuổi, anh Hoàng dạy song ngữ tiếng Việt - tiếng Anh cho con. 3 tuổi con biết đọc, biết viết. 4 tuổi con học xong chương trình lớp 1. 7 tuổi học xong chương trình tiểu học đi kèm với nói thông thạo tiếng Anh. 9 tuổi học xong chương trình cấp 2…

Anh sẽ là người trực tiếp dạy con mà không học theo trường lớp. Con học xong cấp 2, anh sẽ đưa ra nước ngoài tìm trường đào tạo thiên tài. Lên lịch “nhào nặn” thần đồng là vậy nhưng anh Hoàng lo lắng không biết mình có “cán đích” hay không. Bởi con gái anh năm nay 3 tuổi, dù biết đọc, biết viết nhưng cứ tới đêm là con gái anh lại khóc, la hét và có khi chỉ chợp mắt 1 - 2 tiếng trong một đêm.

Anh Hoàng lo lắng sức khỏe tâm thần của con như vậy sẽ “níu” ước mơ có con là “thần đồng” của mình.

Cũng như tương tự anh Hoàng, chị Thanh Hương (huyện Ý Yên, Nam Định) cũng đặt kỳ vọng quá lớn vào con. Từ bé đến lớn, chị Thanh Hương đều học rất giỏi, là niềm tự hào của gia đình. Sau này lập gia đình và sinh được một cậu con trai, chị luôn hy vọng con sẽ có “gen” học giỏi như mình. Tiếc là dù chị không tiếc tiền đầu tư cho con nhưng học lực trong nhiều năm liền của con trai chị chỉ ở mức trung bình, điểm số các môn lẹt đẹt. Điều này khiến chị vô cùng thất vọng và thường xuyên chỉ trích con mình.

Chị Bích Ngọc (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) lại có quan điểm khá thú vị về chuyện học tập của con. Khi con khoe đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, chị đã chúc mừng con. Một số người nói con chị có phải học sinh xuất sắc hay đứng Top 1, Top 2 trong lớp, trong trường đâu mà chúc mừng. Nhưng chị đáp lại rằng, chị rất hài lòng với kết quả đó, bởi trong năm học con chị đã không phải chịu quá nhiều áp lực, được học tập trong niềm vui và hạnh phúc.

Hầu hết cha mẹ Việt vẫn còn nặng nề chuyện thành tích học tập của con. Vì thế, rất ít phụ huynh có suy nghĩ cởi mở như chị Bích Ngọc - con chỉ cần vui vẻ học tập, đa phần thường có tâm lý giống anh Nguyễn Hoàng và chị Thanh Hương - luôn kỳ vọng con trở thành “thần đồng”, thiên tài, hay chí ít cũng là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc thuộc hàng Top của lớp, của trường. Mang theo kỳ vọng ấy, cha mẹ vô tình tạo áp lực lớn lên con với những câu hỏi: “Con thi thế nào? Có được 9, được 10 không? Con đứng vị trí thứ mấy?”. Trong khi những câu hỏi như: “Con đi học có vui không? Có học được nhiều điều bổ ích không?” thì lại rất ít cha mẹ quan tâm.

Chị Thu Hương (huyện Thanh Hà, Hải Dương), vợ chồng chị ly hôn đã lâu, một mình chị nuôi con khôn lớn, nên bao nhiêu kỳ vọng chị đều đặt vào con trai. Chị không yêu cầu con làm bất cứ việc nhà cũng như không cho phép chơi với bạn. Ở lớp và ở nhà, con trai chị chỉ tập trung vào học. Con trai chị lầm lì, ít nói, chỉ quanh quẩn ăn và học. Kết quả là con trai của chị đã đỗ đại học với số điểm tương đối cao, nhưng sau đó có nhiều dấu hiệu trầm cảm, chị phải đưa con đi tham vấn tâm lý.

Chính vì lấy điểm số, thành tích học tập để đánh giá năng lực của con nên cha mẹ không chỉ gây áp lực cho trẻ mà còn tự gây áp lực cho chính mình. Họ thất vọng, buồn chán khi con bị điểm kém, lo lắng khi con rớt khỏi Top 1, 2 của lớp, hay không đạt giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, thành phố. Họ sốt ruột càng gây thêm áp lực cho con.

Kỳ vọng của cha mẹ, áp lực, khủng hoảng của con

Làm cha mẹ, ai cũng mong con mình giỏi giang, vượt trội, xuất chúng. Điều đáng lo ngại, ép học, muốn “nhào nặn” con thành người đặc biệt trong tương lai, nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có biểu hiện thông minh như: biết nói sớm, biết đọc sớm, thích sách vở, báo chí, máy tính đã ra sức “bồi dưỡng” kiến thức cho con.

Từ chỗ nhanh nhẹn, linh hoạt sau một thời gian bị “nhồi” những đứa trẻ này đã trở nên chậm chạp, nhút nhát, không tập trung và chỉ cần nhìn thấy sách vở, máy tính, chữ viết hay con số… là tỏ ra sợ sệt, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt hay bị mất ngủ, ngủ hay la hét… Đây là điều vô cùng nghiêm trọng, có ảnh hưởng mạnh và lâu dài đến quá trình phát triển của trẻ sau này…

Theo một nghiên cứu do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEFF) tại Việt Nam công bố rằng: áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em và trẻ vị thành niên ở nước ta gặp các rối loạn về sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu trên cũng cho thấy, hiện tượng trẻ bị trầm cảm, âu lo, rối loạn cảm xúc vì học tập có chiều hướng tăng.

Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh mong các bạn trẻ không bị áp lực học hành.

Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh mong các bạn trẻ không bị áp lực học hành.

Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) phân tích, thành tích học tập chỉ là những con số, không thể hiện được hết năng lực thực sự của con. Cha mẹ không nên đánh giá khả năng của con chỉ thông qua điểm số mà cần ghi nhận cả hành trình học tập của con. Nếu con đã rất nỗ lực nhưng điểm số vẫn thấp, hãy động viên vì con đã cố gắng hết mình. Đồng thời, trò chuyện với con để nắm bắt lí do tại sao thành tích học tập chưa được như con mong muốn, phương pháp học của con đã đúng chưa, từ đó có cách điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng và học lực của con. Thay vì đặt nặng điểm số, cha mẹ hãy để con học tập trong sự hào hứng, mỗi ngày đến trường được tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ bên thầy cô, bạn bè.

Trước hết, cha mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, vì đó chính là áp lực vô hình đè nặng lên vai trẻ. “Nhiều cha mẹ kỳ vọng vào con vì muốn con xây nốt những giấc mơ dang dở mà mình chưa thực hiện được. Trước đây, cha mẹ không có điều kiện học hành, học chưa giỏi, hoặc trượt đại học, nên luôn khao khát con học giỏi, đỗ đạt. Cha mẹ mong được người khác ghi nhận thành công của mình thông qua thành tựu của con, mà quên mất rằng con có cuộc đời của con, nhiệm vụ của con không phải là viết tiếp giấc mơ của cha mẹ”, chuyên gia tâm lý khuyên nhủ.

Cùng với đó, xây dựng thời gian biểu hợp lí, cân bằng giữa học tập, vui chơi và nghỉ ngơi cũng rất quan trọng. Đối với trẻ đang trong độ tuổi phát triển, mỗi ngày nên ngủ đủ từ 6 - 8 tiếng để giúp cơ thể được phát triển toàn diện.

Ngoài học kiến thức, bố mẹ cần dạy con kỹ năng sống. Theo UNICEFF, kỹ năng sống tập hợp nhiều kỹ năng tâm lý, xã hội, giao tiếp cá nhân. Rèn luyện kỹ năng sống sẽ giúp trẻ biết cách giao tiếp với mọi người, biết cách ứng xử đúng mực; Rèn luyện kỹ năng sống sớm giúp trẻ có ý thức làm chủ bản thân, sống lành mạnh, tích cực và phát triển toàn diện sau này; Rèn luyện kỹ năng sống còn giúp trẻ dễ dàng hòa nhập vào tập thể, khẳng định được vị trí của mình; Rèn luyện kỹ năng sống giúp trẻ giữ được sự bình tĩnh, tự tin và có đủ kiến thức để giải quyết các tình huống, thách thức trong cuộc sống; Rèn luyện kỹ năng sống sẽ giúp trẻ hoàn thiện nhân cách một cách tích cực.

Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh gợi mở: “Sự thật thành công chỉ được hình thành từ những đứa trẻ có năng lực thành công. Cha mẹ hãy giúp con có được năng lực thành công bằng cách cho con có nhiều trải nghiệm sống để hình thành vốn sống, kinh nghiệm sống, thái độ sống. Đồng thời, trang bị cho con các kỹ năng quan trọng như kỹ năng tự học, tự đánh giá, tự nhìn lại thất bại và đứng dậy sau khi vấp ngã. Đây mới chính là những yếu tố quyết định thành công hay thất bại trong cuộc đời chứ không phải là điểm số”.

Tiến sĩ Peter Congdon, Giáo sư Đại học Queen Mary (London, Anh), nhận định: “Ép trẻ trở thành “thần đồng” hay đạt thành tích cao là hủy diệt tuổi thơ của các em. Ép trẻ em, không chỉ tạo áp lực tâm lý nặng nề, mà nghiêm trọng hơn còn gây nên những tác động tiêu cực trong suy nghĩ và hành động của trẻ.

Đọc thêm