Đề cử 'vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà' thành Di sản thế giới: Cơ hội thiết lập thương hiệu du lịch quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện Hồ sơ đề cử “vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà” đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi vào Danh mục Di sản thế giới.
Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. (Ảnh: Vinpearl)
Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. (Ảnh: Vinpearl)

Kỳ vọng di sản thế giới nối dài đầu tiên tại Việt Nam

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là một khối thống nhất khi nằm trong khu vực vịnh Bắc Bộ với các tiêu chí xác định giá trị nổi bật toàn cầu gồm địa chất học, mỹ học, đa dạng về giống loài, đa dạng về sinh thái. Với 775 hòn đảo thuộc vịnh Hạ Long và 358 hòn đảo thuộc quần đảo Cát Bà, tổng diện tích khu vực đề cử di sản thế giới là 65.650ha tại vùng lõi và 34.140ha tại vùng đệm.

Nếu được UNESCO ghi danh, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà sẽ trở thành di sản thế giới nối dài đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu sự kiện đầu tiên của 2 địa phương về liên kết, quản lý vùng.

Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2009 và trở thành Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất vào năm 1994, lần thứ hai vào năm 2000 nhờ những giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo và giá trị địa mạo - địa chất đặc trưng.

Quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) đã được xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt vào năm 2013. Khu vực này tập trung nhiều giá trị đặc biệt về sinh thái, cảnh quan, địa chất - địa mạo, mang tầm quốc tế, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn trên biển, Di tích quốc gia đặc biệt.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam khẳng định vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà nếu được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo đảm sự bền vững của môi trường mà Liên Hợp quốc đã đề ra trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Trong đó, Hải Phòng cam kết phát huy cao nhất tính toàn vẹn của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.

“Bài toán” xây dựng “Cát Bà xanh”

Với nỗ lực xây dựng “Cát Bà xanh”, hàng chục năm qua, Hải Phòng đã triển khai hàng loạt các giải pháp để hoàn thiện mục tiêu phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường. Để thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhằm đáp ứng điều kiện cần thiết để UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, Hải Phòng đã tiến hành tháo dỡ các lồng bè NTTS.

Theo thống kê, quần đảo Cát Bà có 440 cơ sở NTTS với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể tập trung tại các vịnh: Cát Bà, Lan Hạ, Bến Bèo, Trà Báu và Gia Luận… không phù hợp quy hoạch, ảnh hưởng tới cảnh quan khu du lịch. Tính đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng đã thực hiện chi trả hỗ trợ, tháo dỡ 439/440 cơ sở (đạt 99,7%). Tổng kinh phí hỗ trợ người dân lên tới trên 63 tỷ đồng.

Chuyên gia của IUCN hoàn thành chuyến thực địa tại khu vực đề cử. (Ảnh: Sở Ngoại vụ Hải Phòng cung cấp)

Chuyên gia của IUCN hoàn thành chuyến thực địa tại khu vực đề cử. (Ảnh: Sở Ngoại vụ Hải Phòng cung cấp)

Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Nguyễn Quang Vinh cho biết, song song với việc tháo dỡ lồng bè thủy sản, đứng trước “bài toán” xây dựng thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế, Hải Phòng đã triển khai hàng loạt dự án trọng điểm tại Cát Bà. Cụ thể, hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách TP đã được sử dụng để: trồng hoa hai bên tuyến đường xuyên đảo Cát Bà; nâng cấp, mở rộng đường giao thông từ Ngã ba Núi Xẻ đến Bến Bèo; xây dựng cổng chào khu trung tâm du lịch Cát Bà; cải tạo, nâng cấp vỉa hè, khuôn viên khu trung tâm du lịch Cát Bà...

Ngoài ra, hàng loạt các dự án ngoài ngân sách với tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đang được tích cực triển khai gồm: Khu du lịch, dịch vụ vịnh trung tâm Cát Bà; Khu đô thị, dịch vụ du lịch Cát Đồn, xây dựng Khu cảng hàng hóa, bến phà, bến tàu khách, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch, khu dịch vụ hậu cần du lịch tại huyện Cát Hải; bến thủy nội địa vịnh Đồng Hồ; tuyến cáp treo Phù Long - Cát Bà, Khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp nước khoáng nóng Xuân Đám…

Để xây dựng thương hiệu “Cát Bà xanh”, Hải Phòng cần giải quyết triệt để vấn đề rác thải phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau trên đảo. Trong đó, hơn 100 phương tiện thủy kinh doanh dịch vụ du lịch trên các vịnh, có cả phương tiện lưu trú ngủ đêm và phương tiện chở khách tham quan, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, tác động đến hệ sinh thái biển nếu không giám sát chặt chẽ.

Bắt đầu từ tháng 02/2023, để quản lý các hoạt động tàu du lịch lưu trú qua đêm trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, Sở Giao thông Vận tải TP Hải Phòng công bố lại hoạt động khu neo đậu tàu lưu trú nghỉ đêm trên các vịnh; trong đó quy định tọa độ, vị trí các khu vực được phép neo đậu tàu lưu trú nghỉ đêm.

Đối với rác thải từ các nguồn hạ lưu đổ vào, ban quản lý (BQL) các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà với BQL vịnh Hạ Long tổ chức các đợt ra quân làm sạch môi trường khu vực giáp ranh giữa vịnh Lan Hạ và vịnh Hạ Long định kỳ 01 lần/tháng. Toàn bộ lượng rác thải trôi nổi tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, TP đã được BQL vịnh Cát Bà và các Trung tâm I, II, II thuộc BQL vịnh Hạ Long nhanh chóng thu gom và vận chuyển về nơi xử lý.

Không chỉ vậy, khu vực neo đậu của các tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh cũng bảo đảm khoảng cách, an toàn tuyệt đối với khu vực đàn voọc (nằm trong Sách Đỏ Việt Nam) thường xuyên sinh sống là khu vực Giỏ Cùng, Ba Trái Đào và Cửa Đông. Điều này đã giúp cho hoạt động sinh sống của loại linh trưởng được IUCN xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới này bớt ảnh hưởng bởi tiếng ồn do các tàu du lịch phát ra.

Giai đoạn nước rút

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn gần 3 tháng trước Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới vào tháng 9/2023 tại Ả Rập - Xê Út, Hải Phòng đã hoàn thiện mẫu thông báo các chi tiết sai sót trong đánh giá của cơ quan tư vấn theo yêu cầu của IUCN trên cơ sở tuân thủ các quy định tại Hướng dẫn về thực hiện công ước di sản 1972.

Trong tháng 7/2023, Hải Phòng sẽ tổ chức Hội nghị tham vấn các bên liên quan về định hướng và chương trình, nội dung vận động cụ thể đối với 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới trước và trong Hội nghị thường niên, thống nhất các nội dung giải trình, lập luận, bảo vệ đối với những vấn đề còn tồn tại của đề cử di sản.

Một góc quần đảo Cát Bà.

Một góc quần đảo Cát Bà.

Từ nay đến tháng 9/2023, tại Hà Nội và Paris (Pháp), Hải Phòng tổ chức các chương trình tiếp xúc trực tiếp với đại sứ và đại diện của 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới trước khi diễn ra Hội nghị thường niên.

Dự kiến, từ 10 - 25/9/2023, tại Ryadh, Ả Rập - Xê Út, Đoàn công tác của Việt Nam dự Kỳ họp thường niên lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới để triển khai các hoạt động vận động các quốc gia thành viên bỏ phiếu ủng hộ đề cử di sản và thực hiện bảo vệ hồ sơ đề cử di sản.

Trong giai đoạn nước rút này, các hoạt động chuẩn bị càng được tiến hành nhanh chóng. Việc ghi danh vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà trở thành di sản thiên nhiên thế giới cũng sẽ đặt ra trách nhiệm lớn lao với TP Hải Phòng và Quảng Ninh để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, các vấn đề về ô nhiễm môi trường do phát triển du lịch, “bài toán” quản lý chung giữa hai địa phương… Trong đó, việc hợp tác, liên kết, khai thác hiệu quả các tuyến, điểm tham quan trên vịnh Lan Hạ - Cát Bà với vịnh Hạ Long là vô cùng quan trọng.

Riêng đối với Hải Phòng, việc đón nhận Di sản thiên nhiên thế giới này là cơ hội thiết lập một thương hiệu du lịch quốc tế, đúng với chiến lược được xây dựng trong Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 4877/VPCP-KGVX ngày 3/7/2023 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về khuyến nghị của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đối với Hồ sơ “vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà” đề nghị UNESCO ghi danh Di sản thế giới.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND TP Hải Phòng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh khẩn trương nghiên cứu các khuyến nghị của IUCN để rà soát, cập nhật hồ sơ đề cử di sản và có báo cáo giải trình phù hợp; gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn UBND TP Hải Phòng và UBND tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện các báo cáo kịp thời gửi tới IUCN bảo đảm không ảnh hưởng tới kế hoạch, tiến độ xem xét, đánh giá của Ủy ban Di sản thế giới.

Đọc thêm