Dễ dàng vay tiêu dùng từ các công ty tài chính

(PLO) -Nhấn mạnh điều này, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, vay tiêu dùng từ các công ty tài chính (CTTC) hầu như không có điều kiện về thế chấp, thời gian thẩm định và giải ngân rất ngắn, những ràng buộc hay chế tài liên quan tới nghĩa vụ trả nợ cũng rất đơn giản.

Dễ dàng vay tiêu dùng từ các công ty tài chính
Xin ông cho biết, mô hình cho vay tiêu dùng (CVTD) tại các nước giống và khác gì so với ở Việt Nam?
- Về cơ bản, mô hình CVTD ở Việt Nam là theo mô hình CVTD phổ biến trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển.
Sự khác biệt chỉ là do thị trường CVTD ở Việt Nam đang trong giai đoạn khởi đầu, với mục tiêu là mở rộng thị trường và chiếm lĩnh thị phần chứ chưa phải là tăng chất lượng và cạnh tranh dựa trên giảm lãi suất đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong tương lai, CVTD tại Việt Nam chắc chắn sẽ đi theo mô hình tương tự như tại các nước phát triển hiện nay.
Theo đánh giá của ông, với việc các ngân hàng đẩy mạnh CVTD, thì liệu các CTTC độc lập có cơ hội chiếm lĩnh thị trường?
-Cơ hội luôn dành cho tất cả các CTTC, kể cả công ty thuộc ngân hàng hay CTTC độc lập. Vấn đề là mỗi CTTC làm gì để giữ và mở rộng thị phần của mình trên thị trường CVTD đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Ngoài ra, giai đoạn phát triển theo chiều rộng của thị trường CVTD sẽ không kéo dài, nó sẽ sớm chuyển sang giai đoạn phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Vì vậy, các CTTC, không phân biệt thuộc ngân hàng hay độc lập, có khả năng nắm bắt tốt cơ hội của thị trường đều có cơ hội để phát triển và ngược lại.
Thưa ông, thủ tục cho vay của các CTTC và ngân hàng có điểm gì khác biệt?
-Có thể khẳng định thủ tục cho vay của các CTTC đơn giản hơn rất nhiều so với thủ tục của các ngân hàng thương mại. 
Trước hết, hầu như không có điều kiện về thế chấp.Thứ hai, nội dung và các điều kiện của hợp đồng cho vay rất đơn giản.Thứ ba, thời gian thẩm định và giải ngân rất ngắn.Thứ tư, thời gian đáo hạn và lộ trình trả gốc cũng như lãi suất rất linh hoạt. Thứ năm, những ràng buộc hay chế tài liên quan tới nghĩa vụ trả nợ cũng đơn giản hơn và chủ yếu dựa trên thỏa thuận giữa hai bên, không nặng về xử lý qua tòa án như đối với cho vay từ ngân hàng.
Chuyên gia có thể lý giải, vì sao lãi suất cho vay của các CTTC lại luôn luôn cao hơn ngân hàng?
-Lý do thứ nhất là do nguồn huy động của các CTTC thông thường đắt hơn so với các các ngân hàng thương mại. 
Thứ hai, điều kiện duyệt vay của các công ty tài chính dễ hơn rất nhiều so với điều kiện của các ngân hàng thương mại, do đó lãi suất của công ty tài chính đặt ra sẽ phải cao hơn.
Thứ ba, các khoản CVTD của CTTC chứa đựng những rủi ro cao hơn so với rủi ro của hệ thống ngân hàng, khiến cho lãi suất cho vay của CTTC cũng phải áp cao hơn.
Thứ tư, thị trường CVTD là một thị trường mới. Ở Việt Nam, cũng chưa đáp ứng cầu, nên lãi suất CVTD của các CTTC vẫn ở mức cao,  phù hợp với quan hệ cung-cầu và quan hệ cạnh tranh trên thị trường này.
Và cuối cùng, cũng do thị trường CVTD là thị trường mới, nên các CTTC chưa phát huy được lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Cho nên, lãi suất CVTD vẫn đứng ở mức cao.
Vậy theo ông lãi suất CVTD của các CTTC nên ở mức nào là hợp lý?
-Bộ Luật Dân sự sửa đổi đã quy định về trần lãi suất, nếu vượt quá trần lãi suất đó thì sẽ trở thành cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng “đen”.Tuy nhiên, trong Luật cũng có nội dung đề cập đến các quy định khác, liên quan đến sự thỏa thuận giữa bên đi vay và bên cho vay.Các CTTC thuộc sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng. Do vậy, lãi cho vay của các CTTC được xác lập theo nguyên tắc cơ bản sau: Đảm bảo lãi suất bù đắp được chi phí đầu vào, chi phí hoạt động, bù đắp rủi ro và một tỷ lệ lợi nhuận nhất định; một khía cạnh nào đó người ta cũng dựa vào yếu tố cung cầu trên thị trường.
Với đặc điểm thị trường còn mất cân đối cung – cầu như hiện nay, CVTD với các điều kiện về cạnh tranh còn hạn chế. Do vậy mà lãi suất CVTD hiện nay hợp lý hay không hợp lý phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên.Khi thị trường phát triển, lãi suất đó sẽ được điều tiết bởi quy luật cung - cầu cũng như quy luật về cạnh tranh.
Ông đánh giá thế nào về chính sách yêu cầu các ngân hàng thương mại phải lập CTTC mới được CVTD, cũng như làn sóng thành lập, mua bán sáp nhập CTTC ở Việt Nam hiện nay?
-Yêu cầu các ngân hàng thương mại phải lập CTTC để thực hiện nghiệp vụ CVTD là phù hợp với thực tế thị trường tín dụng ở Việt Nam, trong bối cảnh hệ thống các ngân hàng thương mại đang phải thực hiện cơ cấu lại nhằm khắc phục vấn đề nợ xấu và tăng cường quản lý rủi ro tại các ngân hàng thương mại.
Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào nghiệp vụ cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam chưa phát triển đủ để đáp ứng nhu cầu về vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, còn các CTTC sẽ chuyên môn hóa trong lĩnh vực CVTD.
Hơn nữa, mô hình CTTC trong các tập đoàn, tổng công ty đã không thành công, nên việc các CTTC nhập vào các ngân hàng thương mại và hoạt động chuyên biệt trong lĩnh CVTD là tất yếu; đồng thời, sẽ tương đồng với các CTTC độc lập đã đang và sẽ thành lập ở Việt Nam trong thời gian tới.
Làn sóng mua, bán, sáp nhập các CTTC vào ngân hàng thương mại vẫn sẽ tiếp tục nhưng không nhiều do số lượng các CTTC là đối tượng mua bán sáp nhập không còn nhiều.Thay vào đó, sẽ có làn sóng thành lập mới các CTTC thuộc cả sở hữu của nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài.
Vậy chuyên gia có thể cho biết vai trò của các CTTC tiêu dùng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng cho nền kinh tế?
-Về mặt con số, tính đến tháng 9/2015, tổng dư nợ CVTD đã tăng tới 31,49% so với 31/12/2014. Cùng với tốc độ tăng trưởng trên, tín dụng tiêu dùng (TDTD) cũng gia tăng tỷ trọng trong tổng cơ cấu dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, từ mức 6,31% tại tháng 9/2014 lên 8,02% tính đến tháng 9/2015. Với quy mô tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tại thời điểm 9/2015, quy mô TDTD tương ứng với tỷ trọng trên là khoảng 357.000 tỷ đồng.Quy mô này cũng gần tương đương với dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản tại cùng thời điểm.Như vậy có thể khẳng định, TDTD đã góp phần quan trọng, tích cực vào hỗ trợ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế Việt Nam.
Quan trọng hơn, TDTD còn góp phần làm tăng khả năng thanh toán của một bộ phận dân cư; thông qua đó, giải quyết vấn đề đầu ra của sản phẩm trong thị trường hàng hóa Việt Nam, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, giảm bớt hàng tồn kho, kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…
Xin cảm ơn chuyên gia./.

Đọc thêm