Để giảm tỷ lệ thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên, không chỉ dừng ở giáo dục giới tính

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Việt Nam, tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên tăng từ 0,4 lên 1%, gấp đôi so với thập niên trước, nhiều em chỉ mới 12 tuổi, phá thai khi đã to. Đây là số liệu được đưa ra tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp 2023 vừa qua, gây nhiều suy ngẫm về một thực tế đã và đang diễn ra, nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Chương trình truyền thông sức khỏe sinh sản cho sinh viên “Hành trình SV - OK” do Tạp chí Thanh niên phối hợp Tổ chức DKT International tại Việt Nam thực hiện tại Nghệ An. (Nguồn: Báo ND)
Chương trình truyền thông sức khỏe sinh sản cho sinh viên “Hành trình SV - OK” do Tạp chí Thanh niên phối hợp Tổ chức DKT International tại Việt Nam thực hiện tại Nghệ An. (Nguồn: Báo ND)

Trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản

Thông tin được các bác sĩ báo cáo tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp 2023 ngày 15/8 cho thấy: Nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội phát hiện trong hơn 4.700 hồ sơ đình chỉ thai nghén tự nguyện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong năm 2022 có 51 trường hợp là trẻ vị thành niên, chiếm hơn 1%. 27 em trong số này bỏ thai dưới ba tháng tuổi (53%), còn lại phá thai to trên 12 tuần. Độ tuổi trung bình của nhóm đối tượng này là 15,7 tuổi, trong đó có trẻ nhỏ tuổi nhất là 12, lớn tuổi nhất là 18. Đa số trẻ còn đi học (chiếm hơn 96%), 2 trường hợp không đi học, 1 trường hợp có tiền sử phá thai.

Trong số trẻ này, chỉ có 3 trẻ vị thành niên (chiếm 5,8%) sử dụng biện pháp tránh thai. Điều này phản ánh, trẻ vẫn còn thiếu kiến thức về phòng tránh thai, về sức khỏe sinh sản. Thậm chí, có trẻ không biết mình mang thai, khi phát hiện thì thai đã lớn, đồng nghĩa với việc càng làm tăng nguy cơ thất bại cũng như các tai biến khi muốn phá thai ở giai đoạn này.

Phát biểu tại Hội nghị, bác sĩ Hà Duy Tiến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết tỷ lệ phá thai to trên 12 tuần vẫn ở mức cao, phản ánh việc trẻ thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, phát hiện có thai muộn hoặc do tâm lý lo sợ nên phân vân, chần chừ với quyết định nên bỏ hay giữ. Bỏ thai ở tuổi thai muộn làm tăng nguy cơ thất bại và các tai biến của thủ thuật, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, thậm chí tính mạng, ngoài ra còn gây bất ổn tâm lý.

Điều đáng nói là không phải đợi đến hội thảo này thì hồi chuông báo động về tình trạng mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên mới được gióng lên. Tại Việt Nam, phần lớn phụ huynh mới chỉ quan tâm chăm lo cho con em về học hành, vật chất mà hiếm khi quan tâm đến chuyện tư vấn, hướng dẫn cho các em về sức khỏe sinh sản, thậm chí vì sợ con cái hư sớm mà né tránh, nghiêm cấm con cái tìm hiểu về lĩnh vực này khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Các bác sĩ từng tiếp nhận nhiều trường hợp thanh, thiếu niên nhập viện do “sáng kiến” tránh thai hy hữu như dùng túi nilon thay bao cao su, vắt chanh, ngâm nước nóng vùng kín, uống 2 thậm chí 3 viên thuốc tránh thai khẩn cấp trong vài ngày liên tiếp “cho chắc”… Trao đổi với truyền thông, bác sĩ Trương Thị Kim Hoa - Trung tâm Y tế đa chức năng quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) từng cho biết, qua thực tế qua công tác giảng dạy, nói chuyện với học sinh khối THPT về kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bà nhận được rất nhiều câu hỏi ngây ngô về các biện pháp phòng tránh thai. Sự thiếu hiểu biết này kéo theo nhiều hệ lụy đối với sức khỏe vị thành niên, thanh niên ở hiện tại cũng như tương lai.

Chủ đề cần thiết được thảo luận giữa bố mẹ với con cái

Theo các bác sĩ, hiện nay rất ít bậc phụ huynh quan tâm đến các vấn đề sức khỏe sinh sản khi con cái ở tuổi dậy thì. Trong khi đúng ra khi con còn ít kiến thức về lĩnh vực này, phụ huynh phải là người hướng dẫn cho con, bởi hiểu biết về các biện pháp tránh thai là kỹ năng sống cần thiết cho mọi người.

Do đó, cho dù phụ huynh cảm thấy việc quan hệ trước hôn nhân là sai trái hay đơn giản chỉ là muốn trì hoãn cho đến khi con cái trưởng thành hơn, thì chủ đề này vẫn cần thiết được thảo luận giữa bố mẹ với con cái. Phụ huynh nên giải thích một cách rõ ràng quan điểm của mình cho con nghe để con hiểu và quan tâm đến quan điểm của con, xem xét trong tương lai việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến con.

Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam, việc mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên kéo theo hàng loạt hệ lụy. Các biến chứng khi mang thai và sinh con tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15 - 19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Mặt khác, nếu đi đến hôn nhân hoặc sinh con thì bản thân các em gái sẽ mất đi cơ hội học hành, không có công ăn việc làm, thiếu kiến thức chăm con. Bên cạnh đó, em bé sinh ra từ những bà mẹ trẻ này có sức khỏe yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển.

Xác định việc chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi, Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu rõ, phấn đấu đến năm 2030, giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống.

Hiện nay, mặc dù đã có các chương trình chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong các chương trình từ công tác giảng dạy đến việc thực hành các kỹ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân những đối tượng này. Hơn nữa, vị thành niên, thanh niên vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bảo đảm chất lượng, trong khi họ ngày càng có xu hướng cởi mở hơn trong việc quan hệ trước hôn nhân. Đây thực sự là những trở ngại khiến công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Phát biểu tại Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp 2023, bác sĩ Hà Duy Tiến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhấn mạnh, để giảm tỷ lệ thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên, không chỉ dừng ở giáo dục giới tính, nâng cao điều kiện sống mà còn cần đầu tư vào các chương trình tuyên truyền tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp tránh thai, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ của thanh, thiếu niên trong việc phát hiện mang thai.

Đọc thêm