Không để đổi mới giáo dục chỉ ở ngoài cổng trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Năm học 2023 - 2024 là năm trọng tâm đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo chiều sâu với nhiều thách thức như thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên trầm trọng, nhưng ngành xác định, đây là năm quan trọng, hiệu quả các phần việc có vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện.
Buổi gặp gỡ của tư lệnh ngành Giáo dục với thầy cô cả nước kết nối với 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT.
Buổi gặp gỡ của tư lệnh ngành Giáo dục với thầy cô cả nước kết nối với 63 điểm cầu của các sở GD&ĐT.

Năm học của nhiều đổi mới chiều sâu

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, năm học 2023 - 2024 là năm học hứa hẹn nhiều sự đổi mới ở tất cả các cấp học với nhiều mức độ khác nhau. Trong lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), ngành xác định năm học 2023 -2024 là năm rất quan trọng với nhiều việc phải làm như: đánh giá kết quả triển khai ở 3 lớp 3, 7, 10, tiếp tục tiến hành triển khai chương trình sách giáo khoa mới cho 3 lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị các điều kiện để đổi mới ở 3 lớp cuối cấp là 5, 9, 12. Tăng cường đổi mới theo chiều sâu đối với các môn học, hoạt động giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành xác định, đây là năm học có khối lượng công việc lớn và hiệu quả có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng đổi mới của 12 năm GDPT nói chung. Do đó, đòi hỏi tập trung cao độ trong việc chỉ đạo, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát.

Năm học mới, Bộ GD&ĐT cũng xác định sẽ hoàn thiện các vấn đề về thể chế, tạo động lực, điều kiện cho đổi mới ở những giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là năm thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao là Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; chuẩn bị xây dựng Luật Nhà giáo và sẽ hoàn thành, trình Quốc hội vào năm 2024. Đồng thời có nhiều yêu cầu đặt ra như tăng cường giáo dục văn hóa, triển khai văn hóa học đường, xây dựng trường học hạnh phúc, phòng, chống bạo lực học đường...

Đây cũng là năm triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới cho bậc học nền tảng; đưa GDPT mới vào hệ giáo dục thường xuyên, điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ triển khai các hoạt động đổi mới đối với giáo dục thường xuyên.

Tại buổi gặp gỡ, chia sẻ với hơn 1,6 triệu thầy, cô giáo cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta cần coi đây là cơ hội và cố gắng thực hiện thật tốt đối với Chương trình GDPT 2018. Đây là phương thức để chúng ta đổi mới toàn diện, thực hiện thành công chương trình mới, giáo dục sẽ bước sang một chương mới, một nền giáo dục thay đổi về chất. Những người cũ đang cùng nhau tạo ra cái mới. Vì vậy, điều kiện quan trọng đầu tiên chúng ta cần là lực lượng nhà giáo cần phải tự đổi mới. Tự đổi mới mình, đổi mới bản thân từ quan niệm, nhận thức tới phương pháp, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân. Chúng ta thống nhất, đổi mới là một quá trình, không thể quá vội vàng, phải từng bước, nhất là phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Cần tiến hành từng bước, sau 3 - 4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mình mà chưa thấy mình khác so với trước có nghĩa là giáo dục chưa có cái mới”.

Nếu như trước đây nhà giáo từ chỗ là người chủ yếu truyền thụ kiến thức thì nay chuyển sang là người tổ chức, dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ cho học sinh để học sinh tự hình thành năng lực, tự tích luỹ kiến thức. Do đó, theo Bộ trưởng, cần thay đổi từng môn học, vị trí từng môn học. Thay đổi lớn của Chương trình GDPT 2018 nếu muốn đạt được chiều sâu, thực chất thì phải thay đổi từng thành tố, từng môn học, thay đổi dạy học, kiểm tra, đánh giá từng môn, không loại trừ bất cứ môn nào.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành Giáo dục đã trải qua 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018. Năm học vừa qua, những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ bộc lộ nhiều hơn so với năm học trước. Do đó, đòi hỏi phải dồn lực để vượt qua, từ đó đi tới đích một cách tốt đẹp.

Năm học 2023 - 2024 sẽ là năm triển khai chương trình mới trên diện rộng, bao phủ 3 cấp học. Bộ trưởng cho rằng, việc đổi mới cần đi vào chiều sâu, đến từng môn học; đổi mới phương pháp dạy - học và kiểm tra đánh giá... Chẳng hạn với môn Lịch sử, nếu chỉ dạy và kiểm tra thiên về số lượng, thời gian,... môn học không thể hấp dẫn. Đó cũng không phải những điều mà môn Lịch sử cần đem lại cho học sinh ở các khía cạnh nhận thức, tư duy, trí tuệ, tình cảm.

Ở môn Ngữ văn, Bộ trưởng nói phải tìm cách để Văn trở thành công cụ phát triển con người, bồi đắp cảm xúc, thái độ, nhân cách, không chỉ là câu chuyện miệt mài đi sâu vào văn bản. Mục đích của Văn học không dừng ở văn bản mà là con người.

Tương tự với các môn tự nhiên, theo ông Sơn thì Toán không chỉ dạy giải Toán, đánh đố mà cần rèn học sinh cách tư duy. Với môn Hóa và Sinh, giáo viên phải tăng dạy thực hành, thí nghiệm. Sự thay đổi của từng môn học cụ thể ấy gộp lại sẽ mang lại sự thay đổi thực sự theo chiều sâu trong giáo dục.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. Trước đây thầy cô phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, sách giáo khoa là chỗ dựa, dạy phải theo đó, học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì phải thi thế ấy. “Chúng ta bị khuôn hẹp, bị khuôn cứng, bị lệ thuộc vào sách giáo khoa. Nhưng sự thay đổi lớn của lần này là chương trình thống nhất toàn quốc, là yêu cầu, sách giáo khoa là học liệu - cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng chúng ta cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc.

Nếu không thay đổi được cách tiếp cận về sách giáo khoa thì không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng. Thay đổi cần diễn ra từng bước, không thể một sớm một chiều được.

Hướng tới cảm xúc của thầy trò

Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An gửi chia sẻ tới Bộ trưởng.

Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, tỉnh Nghệ An gửi chia sẻ tới Bộ trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, hiệu trưởng, người đứng đầu trường phổ thông là người chỉ huy, người chủ đạo trong việc đổi mới trong một cơ sở giáo dục. Nếu hiệu trưởng không đổi mới thì khó có thể hy vọng ở ngôi trường đó đổi mới được. Trong sự đổi mới, muốn có một trường học hạnh phúc, vai trò của mỗi giáo viên được phát huy, để làm được điều đó, hiệu trưởng rất quan trọng. Hiệu trưởng không phải là một “ông” quan trọng của một cơ sở giáo dục, đó là một người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp. Triết lý của chương trình mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động. Nếu tính nhân văn, tính chủ động đó không được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng, thì nhân văn, chủ động đó chỉ dừng ở cổng trường.

Hơn thế, cần phải quan tâm tới phát triển năng lực cảm xúc của học sinh hiện tại và tương lai năng lực cảm xúc. Cảm xúc xã hội càng là nhân tố quan trọng cho chúng ta tạo dựng nên thế hệ học sinh mới.

Về phía Bộ sẽ làm gì cho nhà giáo? Chắc chắn trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách. Việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời gian tới có thể sẽ mang lại những chuyển biến tích cực về thể chế. Bộ sẽ làm nhiều việc để làm sao khối giáo dục công - tư được bình đẳng trong thực tế. Trước hết là đối đãi, ứng xử bình đẳng, phát huy hệ thống ngoài công lập để cùng chia sẻ, để xã hội được hưởng thụ giáo dục đa dạng hơn. Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Bộ đang làm mọi cách để chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành đang làm không dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng đang gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai. Thông tư 16 về định mức giáo viên/lớp. Có rất nhiều việc Bộ đang làm để phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo. Bao gồm cả chính sách thi đua, khen thưởng. Ngành đang làm mọi việc để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, phát triển hệ thống các trường sư phạm. “Chúng ta cần kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt, dẫu khó khăn đến đâu cũng kiên trinh với nghề giáo.

Có một người nổi tiếng đã từng nói “thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, hiện giờ chúng ta đang muốn thay đổi thế giới, điều trước tiên là phải làm cho các thầy cô giáo hạnh phúc, nhưng hạnh phúc trước hết từ ta, do chúng ta. Chúng ta cần bước ngay vào hành trình cùng làm cho chúng ta hạnh phúc. Trường học với các học trò thân yêu của chúng ta và hạnh phúc của chúng ta đang chờ ở nơi đó”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ thầy cô giáo...

Bộn bề khó khăn

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, nhà giáo phải nỗ lực thay đổi rất nhiều, trong khi tiền lương chưa thay đổi, cuộc sống không được cải thiện. Đó thực sự là những khó khăn lớn đối với đội ngũ nhà giáo. Một bộ phận không nhỏ giáo viên đã chuyển nghề, nghỉ việc chuyển hướng đi xuất khẩu lao động, làm ở các khu công nghiệp, làm tự do... Trong vòng 3 năm học kể từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến con số hơn 40.000 người.

Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, ngành mới được giao chỉ tiêu hơn 26.000 biên chế. Tình hình tuyển dụng giáo viên ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dù được giao biên chế, có chế độ ưu đãi vẫn không tuyển được giáo viên, nhất là giáo viên giảng dạy các môn học như Ngoại ngữ, Tin học, Mỹ thuật, Nghệ thuật. Một số tỉnh có chỉ tiêu lại không tuyển được giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Đọc thêm