Để hào quang còn mãi và tiếp nối…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ kỳ tích của đội tuyển nữ, điều mà những người trong cuộc mong muốn nhất là sau cú hích mang tên World Cup, bóng đá nữ sẽ có đà bật lên để phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gọi tên tuyển bóng đã nữ Việt Nam là “những cô gái kim cương”
Thủ tướng Phạm Minh Chính gọi tên tuyển bóng đã nữ Việt Nam là “những cô gái kim cương”

Cơ hội mà tấm vé World Cup có thể đem lại

Thủ tướng Phạm Minh Chính gọi tên tuyển bóng đã nữ Việt Nam là “những cô gái kim cương” thì tấm vé dự World Cup 2023 chính là “cơ hội kim cương” để bóng đá nữ Việt Nam có cú chạy đà hoàn hảo, hướng đến sự phát triển ổn định và không chỉ 1 lần được đến với đấu trường danh giá nhất hành tinh.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định: “Đừng bỏ phí những cơ hội mà tấm vé World Cup có thể đem lại cho bóng đá VN nói chung và bóng đá nữ Việt Nam (VN) nói riêng. Từ thành tích hết sức đáng ngợi khen này, những nhà hoạch định thể thao VN, bóng đá VN nên nhìn lại những gì mình đã làm được và chưa làm được cho bóng đá nữ VN. Chúng ta cần vạch ra được một lộ trình chuyên nghiệp, bài bản, đồng bộ để bóng đá nữ VN có được 1 chân đế rộng, vững chắc. Hiện tại, cả nước chỉ còn 6 trung tâm có bóng đá nữ, trong đó Sơn La đang “hấp hối”. Giải vô địch nữ quốc gia đã khiêm tốn về số lượng nay chỉ còn 5 đội tham dự - thực sự là quá ít ỏi. Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) phải sớm lên một kế hoạch cụ thể, ví dụ từ nay đến 2025 sẽ phát triển lên thành 10 địa phương đầu tư bóng đá nữ. Hiện chúng ta đã có hạt nhân như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên thì cần mở rộng địa bàn như Cần Thơ, Khánh Hòa, Gia Lai, Đà Nẵng... Đây là bài toán quy hoạch mà người thực hiện và giải bài toán sẽ phải là ngành thể thao và VFF”.

Hiện tổng số tiền thưởng mà VFF, các doanh nghiệp... dành cho đội tuyển vào khoảng 30 tỷ đồng. Nếu chia đều, mỗi cầu thủ được nhận trên dưới 1 tỷ đồng. Đó là con số đáng suy ngẫm bởi nó không lớn nếu so với cầu thủ hạng khá tại V-League. Dù vậy, trước mắt, các tuyển thủ trong danh sách đăng ký dự Asian Cup 2022 vừa qua sẽ có một khoản tiết kiệm tương đối cho ngày giải nghệ.

Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ thúc đẩy phong trào bóng đá nữ phát triển hơn. Bởi hơn 20 năm thi đấu của giải vô địch quốc gia, số lượng CLB cũng chỉ là tám và gần như nằm trong phạm vi của TP HCM và Hà Nội. Cơ hội được lên tuyển và được nhận tiền thưởng lớn, vì thế, cũng chỉ dành cho vài chục con người, không thể tạo ra một sự bùng nổ ở bề rộng phong trào.

Theo những người trong cuộc, với bóng đá nữ, việc xin tài trợ “khó như bắc thang lên trời”. Lần gần nhất giải vô địch quốc gia có nhà tài trợ đúng nghĩa cách đây đã 15 năm, từ một nhãn hàng liên quan đến sản phẩm phụ nữ. Sau lần đó, nguồn tiền dành cho bóng đá nữ chủ yếu được vận hành khá âm thầm, theo kiểu “người nhà” đóng góp là chính. Ví dụ như giải vô địch nữ do công ty của ông bầu Futsal, Trần Anh Tú bỏ tiền tổ chức, còn đội tuyển quốc gia từng được ngân hàng BIDV (giai đoạn 2014-2016) và hiện nay là Hưng Thịnh Land hỗ trợ các chi phí tập huấn, du đấu.

Dù bỏ công sức tập luyện và nỗ lực không kém gì cầu thủ nam nhưng các cô gái theo nghiệp quần đùi áo số lại chịu nhiều thiệt thòi về lương thưởng, thậm chí phải kiêm thêm 1 - 2 nghề tay trái mới đảm bảo cuộc sống.

Được biết cầu thủ nữ tại các đội bóng địa phương được lo ăn uống và nhận lương mỗi tháng khoảng 2,1 triệu đồng. “Bạn còn phải tưởng tượng như này, ở địa phương phòng sinh hoạt của các cháu ấy, nằm dưới gầm cầu thang sân vận động. Nắng như thế chiếu xuống bậc xi măng giữ nhiệt lên đến gần 40oC cả đêm thì chúng nó ngủ sao được. Thế là phải chung nhau, bỏ tiền ra trả tiền điện để được nằm điều hòa. Mà phải những hôm nào nóng quá, không thể ngủ quạt mới dám bật điều hòa đấy nhé. Cuối tháng trừ hết mọi khoản xong, mỗi đứa chỉ còn 1,9 triệu. Nếu không có thưởng đột xuất thì gửi về cho gia đình 1,5 triệu hàng tháng, bản thân giữ lại 400.000 đồng để mua xà phòng, kem chống nắng, đồ cá nhân”, HLV Mai Đức Chung chia sẻ.

Có năm thưởng Tết chỉ được 3 triệu/người, “bố Chung” phải đi xin hỗ trợ từ bạn bè để về chia cho các cầu thủ mỗi người thêm 7 triệu nữa. Vậy mà ai nấy đều rất vui sướng, dù chỉ có tổng cộng 10 triệu tiêu Tết mà thôi.

Vẫn biết mọi sự so sánh là khập khiễng, nhất là giữa bóng đá nam và nữ, tuy nhiên vẫn khiến những người làm bóng đá nữ cảm thấy chạnh lòng. Tập luyện vất vả, lương thưởng chẳng bao nhiêu nên có những cầu thủ bị gia đình phản đối, hoặc có người chán nản muốn chuyển sang làm cái khác để ổn định hơn. Nhưng bằng đam mê và nỗ lực đầy tuyệt vời, tuyển nữ vẫn có thể “làm nên chuyện” với thành tích lần đầu giành vé dự World Cup.

Thầy trò HLV Mai Đức Chung.

Thầy trò HLV Mai Đức Chung.

HLV Mai Đức Chung cho biết tuyển bóng đá nữ còn 2 giải đấu quan trọng trong năm 2022 là SEA Games 31 (tháng 5) và AFF Cup (tháng 7). Toàn đội sẽ cố gắng đạt được thành tích cao hơn nữa để đáp lại sự ủng hộ của người hâm mộ suốt thời gian qua.

Cần đầu tư chuyên nghiệp như bóng đá nam

Chuyên gia bóng đá Vũ Tiến Thành nhận xét: “Bóng đá nữ là sắc đẹp, là vẻ đẹp, là sự mạnh mẽ bên trong yếu tố nữ tính, hoàn toàn VFF và các CLB nên có một công nghệ tổ chức và quản lý để có thể khai thác, làm tăng thêm mối quan tâm, thu nhập." Thế nên, đầu tư cho bóng đá nữ không đơn thuần chỉ là tăng lương, tăng chế độ ăn, chế độ đãi ngộ hay các khoản tiền thưởng thành tích mà còn phải làm cho cấu trúc của đội tuyển nữ và ở từng CLB phải thực sự bền vững theo hướng chuyên nghiệp.

Chẳng hạn vừa rồi đội nữ sở dĩ thể lực tốt hơn, chơi với mật độ dày mà cầu thủ không bị xuống sức nhanh là do chúng ta có chuyên gia thể lực hỗ trợ thầy trò HLV Mai Đức Chung. Đây là sự bổ trợ cần thiết và phải làm đồng bộ ở nhiều khâu từ dinh dưỡng, tâm lý... ở cả đội tuyển. Muốn đội tuyể mạnh thì phải đầu tư làm luôn ở cấp CLB. Tôi đề nghị VFF và các CLB nữ phải hết sức kiên trì để nâng tầm các yếu tố này, phải xem bóng đá nữ như đội chuyên nghiệp của nam, đầu tư các khâu then chốt một cách đồng bộ, có cấu trúc rõ ràng, bắt đầu từ lực lượng trẻ.

Là thế hệ đầu tiên của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, từng bước lên ngôi vô địch SEA Games năm 2001, tiền vệ được xem là hay nhất một thời Phùng Minh Nguyệt cho rằng, muốn bóng đá nữ Việt Nam phát triển bền vững, giải được bài toán thiếu trước, hụt sau về lực lượng thì cần có sự đầu tư bài bản từ cấp Trung ương tới địa phương. “Nếu muốn bóng đá nữ phát triển bền vững thì trước hết phải có kinh phí để đầu tư cho các tuyến trẻ, ngay từ các địa phương để làm nguồn lực bổ sung cho các đội tuyển. Hiện tại việc đầu tư cho các lứa trẻ tại các địa phương vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách nên khá khó khăn. Nếu có thêm sự chung tay góp sức từ các nhà tài trợ, các nguồn lực khác thì mới giải quyết được bài toán về kinh phí. Với đội tuyển quốc gia, chúng ta cũng phải giải được bài toán chuẩn bị đầu tư cho lứa trẻ, có HLV giỏi, có trình độ, kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại, tăng cường dinh dưỡng, thuốc, thực phẩm chức năng. Như với đội tuyển nữ quốc gia vừa qua, tôi nghĩ rằng thành công đến được cũng có sự góp sức của chuyên gia thể lực. Chính vì sự có mặt của chuyên gia thể lực mà các nữ cầu thủ cho dù bị mắc COVID-19 nhưng đã sớm hồi phục và đủ thể lực để thi đấu”.

"Bóng đá nữ là sắc đẹp, là vẻ đẹp, là sự mạnh mẽ bên trong yếu tố nữ tính, hoàn toàn VFF và các CLB nên có một công nghệ tổ chức và quản lý để có thể khai thác, làm tăng thêm mối quan tâm, thu nhập."

"Bóng đá nữ là sắc đẹp, là vẻ đẹp, là sự mạnh mẽ bên trong yếu tố nữ tính, hoàn toàn VFF và các CLB nên có một công nghệ tổ chức và quản lý để có thể khai thác, làm tăng thêm mối quan tâm, thu nhập."

HLV Mai Đức Chung bày tỏ: “Như mọi người đã biết kinh phí cho bóng đá nữ không phải là lớn, nhưng làm sao để có kinh phí cho bóng đá nữ càng khó. Bóng đá nữ vẫn phải bao cấp, các nhà tài trợ phải đầu tư thêm. Muốn đội tuyển có lực lượng tốt phải có các CLB đào tạo lên, ngay từ trường lớp năng khiếu chúng ta phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng. Nhưng chúng ta phải có điều kiện tốt về sân bãi. Ở nước ngoài nam nữ tập trung tập luyện cùng nhau. Ở chúng ta thì chưa đủ điều kiện để làm được việc đó. Thành tích vừa rồi cũng là một cú hích để các gia đình nhìn thấy được để cho con em tham gia, cả xã hội cùng chung tay đầu tư thì sẽ có nguồn tài trợ tốt để dồn cho bóng đá nhiều hơn”…

Và như thế, phía sau hào quang không chỉ tôn vinh, ngợi ca, hò reo chốc lát rồi mọi thứ lại trở về những lo toan, hụt hẫng. Sau hào quang phải làm nhiều hơn nữa để bóng đá Việt Nam tham gia các sân chơi khu vực và thế giới không phải chỉ là câu chuyện nỗ lực, vượt khó! Mà đó còn là kết quả của sự đầu tư quan tâm toàn diện đến từ các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng con người trong thể thao một cách bài bản...

Đội bóng đá nữ đầu tiên được thành lập tại quận 1 (TP HCM) vào năm 1994. Đến năm 1998, giải vô địch quốc gia đầu tiên của nữ ra đời với bảy CLB, bao gồm một đội bóng nữ sinh đến từ quận Ba Đình (Hà Nội). Chỉ ba năm sau, đội tuyển đoạt HC vàng SEA Games 2001 và bảo vệ thành công ở SEA Games 2003. Đến năm 2008, Việt Nam vươn lên thứ sáu châu Á và năm 2022, tức là chỉ 24 năm kể từ ngày thi đấu chuyên nghiệp lần đầu tiên, đội tuyển đã giành vé dự World Cup. Thậm chí, năm 2014, tức là 20 năm tính từ lúc ra đời, bóng đá nữ Việt Nam đã giành vé dự World Cup nếu không sảy chân ở trận play-off trước Thái Lan trên sân nhà Thống Nhất.

Trong khi bóng đá nữ chỉ trải qua hơn ba thế hệ đã được dự World Cup thì ngược lại, bóng đá nam mất đến 40 mùa giải vô địch quốc gia mà mới chỉ khẽ chạm vào giấc mơ ấy bằng chiến thắng 3-1 trước Trung Quốc. Từ giải vô địch đầu tiên năm 1980, phải đến 28 năm sau đội tuyển mới vô địch Đông Nam Á (AFF Cup 2008) và hiện chỉ nằm đâu đó trong khoảng từ thứ 10 đến 20 của châu Á. Bởi thế, muốn dự World Cup, bóng đá nữ đã phải thường xuyên nằm trong nhóm 8 đội mạnh nhất khu vực từ gần 20 năm trước.