Để học sinh trở thành “đại sứ” bảo vệ môi trường

(PLVN) - Học sinh không chỉ thực hiện các hành động nhỏ như tiết kiệm điện, nước, hạn chế đồ nhựa, phân loại rác thải, trồng cây xanh, mà còn trở thành những tuyên truyền viên, thúc đẩy người lớn hành động vì môi trường.
Học sinh Nam Định tham gia nhặt rác ven biển hưởng ứng Ngày Pháp luật 2022. (Ảnh: Gia Hồng)

Hành động cho ngôi trường thêm “xanh”

Dù vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều em học sinh trung học trên khắp cả nước đã có ý thức trách nhiệm rõ ràng về việc bảo vệ môi trường. Các em học sinh không chỉ tham gia mà còn sáng tạo ra nhiều dự án ý nghĩa, lan toả sự tích cực trong cộng đồng, góp phần xây dựng một tương lai xanh và bền vững.

Tại Thủ đô Hà Nội, một trong những dự án nổi bật là chương trình “Sống xanh” tại Trường THPT Chu Văn An. Học sinh của Trường đã tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, trồng cây xanh và tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Các hoạt động này đã giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa tại trường và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng xung quanh.

Mặt khác, Striped Project cũng là một dự án nổi bật được thành lập từ năm 2015, thu hút hơn 100 học sinh tham gia. Các em đã tổ chức thu gom giấy, đồ nhựa, quần áo cũ vào cuối tuần để tái chế thành các vật dụng hữu ích. Dự án không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn gây quỹ hỗ trợ học sinh ở vùng sâu, vùng xa.

Tại TP Hồ Chí Minh, dự án “Mùa Hè Xanh” là một trong những chương trình có quy mô lớn nhất, do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khởi xướng đã thu hút hơn 360.000 tình nguyện viên trẻ, bao gồm nhiều học sinh trung học. Hàng năm, các tình nguyện viên tham gia vào các hoạt động xã hội và từ thiện ý nghĩa, trong đó có nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường như dọn dẹp các con kênh, con rạch, hẻm, đường sá, hỗ trợ nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, hệ thống cung cấp nước sạch tại các vùng nông thôn…

Có thể thấy, học sinh trung học đang dần trở thành một lực lượng chính, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp. Các em không chỉ trồng cây xanh tại khuôn viên trường học mà còn góp phần mở rộng không gian xanh ở các khu vực công cộng và dân cư, tổ chức các buổi hướng dẫn phân loại rác và khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Học sinh có thể là hình mẫu tích cực cho người lớn

Từ những dự án trên, các em học sinh có thể trở thành hình mẫu tích cực, thúc đẩy người lớn suy nghĩ và hành động vì môi trường. Đây cũng là nhận định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, tại Lễ phát động Giải thưởng Trường học sinh thái ASEAN Việt Nam 2024 mới đây.

Giải thưởng Trường học sinh thái ASEAN là một trong các hoạt động thuộc khuôn khổ Tổ chức các quan chức cấp cao môi trường ASEAN (ASOEN), giao cho từng quốc gia tổ chức và sẽ được vinh danh tại sự kiện bên lề nhân dịp Hội nghị ASOEN hoặc Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN. Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012, đến nay Việt Nam đã đề cử vinh danh 8 trường tiểu học và trung học cơ sở.

Giải thưởng này là một trong những sáng kiến giúp phát hiện, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình trường học sinh thái tiên tiến, góp phần lan tỏa phong cách sống xanh, học tập xanh, giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường đến tất cả các em học sinh, cũng như các thầy, cô giáo, phụ huynh và toàn xã hội.

Thứ trưởng Lê Công Thành, Trưởng Ban Tổ chức, Chủ tịch Hội đồng xét chọn giải thưởng khẳng định trường học không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là nơi hình thành nhân cách, ý thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội, môi trường. “Các em không chỉ trực tiếp thực hiện các hành động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày để bảo vệ môi trường như tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng đồ nhựa, phân loại rác thải, tham gia các hoạt động trồng cây xanh, mà còn là những tuyên truyền viên hiệu quả, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến gia đình, bạn bè và cộng đồng” - Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.

Hiện nay, giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu diễn ra rõ rệt, với các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Thế hệ trẻ cần được trang bị kiến thức và kỹ năng về môi trường sống, bởi chính các em sẽ là những người đối mặt và phải giải quyết những thách thức này trong tương lai. Không chỉ là lý thuyết, các chương trình giáo dục thực tế như việc tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phân loại rác thải và trồng cây xanh sẽ giúp các em phát triển ý thức trách nhiệm và hành động cụ thể, tạo tiền đề cho một thế hệ sống xanh bền vững.

Đọc thêm