Chỉ riêng tháng 7/2024, biến đổi khí hậu mưa dông lớn bất thường đã xảy ra ở miền Bắc, gây lũ lụt, sạt lở nhiều nơi, làm 59 người thiệt mạng. Dự báo ENSO (là hiện tượng khí hậu rộng lớn hơn bao gồm 3 trạng thái: trung tính, El Nino và La Nina) có thể chuyển sang pha La Nina trong mùa thu năm nay (từ tháng 9 đến tháng 11/2024) với xác suất 60 - 70%.
Trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024, La Nina có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới. Cảnh báo từ nay đến hết năm 2024, trên Biển Đông xuất hiện từ 8 - 10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Trong đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Ngày 11/08/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 78/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại khu vực miền Bắc để ứng phó với tình hình bão lũ trong thời gian tới.
Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, chúng ta cần khẩn trương trồng rừng tạo lá chắn thiên tai vì dưới tác động của biến đổi khí hậu cùng với các hiện tượng thời tiết như El Nino và La Nina, thiên tai diễn biến ngày một bất thường. Cụ thể, mùa khô vừa kết thúc thì trong tháng 6, 7 đã xảy ra mưa dông trên diện rộng tại miền Bắc khiến nước lũ sông Lô dâng cao nhất lịch sử trong 40 năm qua, ngập lụt nhiều nơi, sạt lở nặng nề tại Hà Giang, nhiều hiện tượng bất thường như vòi rồng hơn 100m ở Hải Phòng, 7.000 tia sét giáng xuống Hà Nội trong một cơn mưa...
Thực tế cho thấy chính những cánh rừng với khả năng cản sức gió, giảm dòng chảy của nước, giữ đất giúp hạn chế sạt lở, lũ ống, lũ quét là lá chắn thiên tai tốt nhất. Đồng thời, các khu rừng chính là những bể chứa carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm số lượng thiên tai trong tương lai.
Tháng 8/2024, Gaia tiến hành trồng phục hồi 30ha rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa) và Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Chương trình nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng và các doanh nghiệp. Để bảo đảm việc trồng phục hồi rừng được thực hiện hiệu quả và tạo tác động tích cực lâu dài, Gaia phối hợp cùng Ban Quản lý Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn lên kế hoạch trồng, chăm sóc và giám sát chi tiết. Tiêu biểu, các loài được chọn trồng ở rừng Xuân Liên, Cúc Phương là những loài gỗ lớn bản địa bao gồm: chò chỉ, chò nước, táu muối, táu nước, táu mặt quỷ, vù hương, re gừng, lim xanh, quế, vàng anh.... giúp bảo toàn được nguồn gen của khu rừng và nhân giống được các loài gỗ quý hiếm.
Đồng hành cùng chương trình trồng rừng tháng 8 này, có sự góp mặt của Hoa hậu H’Hen Niê, travel blogger Hà Hiển, nhạc sĩ Ssay Huỳnh, diễn viên Thiên Tú, Tiktok Nguyễn Hồ Trà My, MC Phước Tài... Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ: “Đây là lần thứ 6 Hen cùng Gaia đến thăm và trồng rừng Xuân Liên. Mỗi lần trồng những cây mới, thăm lại những bạn cây cũ, Hen cũng đều thấy rất xúc động. Có những bạn cây đã cao hơn cả Hen, có những bạn phát triển chậm hơn nhưng thật mừng là cây nào cũng mạnh khỏe, xanh tốt. Những chuyến đi rừng cùng Gaia, Hen còn được đến thăm những khu rừng di sản, những thác nước hùng vĩ, những hồ nước mênh mông. Đứng dưới rừng già, Hen cảm thấy vô cùng bình an vì được rừng che chở”.
Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục thực hiện trồng rừng đầu nguồn tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền,... Và đặc biệt vào tháng 9/2024, Gaia sẽ tổ chức chương trình Việt Nam Xanh Hơn tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Kóu nhằm giới thiệu về các chương trình trồng rừng, phát triển bền vững đến các doanh nghiệp và đơn vị báo chí.