Để 'mỗi ngày đến trường là một ngày vui'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần 50 năm trước, năm 1978, lần đầu tiên khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” xuất hiện tại Trường phổ thông cơ sở Thực nghiệm ở Hà Nội do Giáo sư Hồ Ngọc Đại đề nghị thành lập; với phiên bản chính xác là: “Đi học là hạnh phúc - mỗi ngày đến trường náo nức một niềm vui”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã dành rất nhiều năm trời để lan tỏa quan niệm này. Giải thích phải làm gì để trẻ vui khi đến trường, ông khẳng định “trước hết phải làm cho trẻ thích”; để trẻ tự làm ra, tự khám phá bài học, cuộc sống, vấn đề dựa trên sự hướng dẫn của giáo viên. Cần một hệ thống đánh giá theo hướng khuyến khích, chỉ rõ đúng, sai, bổ khuyết với sự tiến bộ của trẻ mỗi ngày, chứ không đánh giá theo điểm. Việc thầy giảng, trò ghi nhớ cần được thay thế bằng thầy giao việc, học sinh (HS) thực hiện. Người thầy cần được cả xã hội tôn trọng vì “khi giáo viên được tôn trọng, vui vẻ, yên tâm; thì HS được hưởng”.

Những quan điểm trên của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhận được nhiều nhận xét nhiều chiều từ rất nhiều năm nay; nhưng sau này, một trong số đó được đa số phụ huynh, học sinh, cơ quan quản lý nhận xét phù hợp. Đó là quan điểm “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Mới đây, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/2/2025, là một trong những động thái góp phần để môi trường giáo dục đạt đến mục đích theo quan điểm nêu trên. Thông tư mới quy định không dạy thêm, học thêm với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục, thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm với HS đã được trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày.

Việc dạy thêm, học thêm trong trường không được thu tiền HS và chỉ dành cho 3 đối tượng: HS có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; HS được trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi; HS lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của trường.

Về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, theo quy định mới, tổ chức, cá nhân muốn dạy thêm, học thêm có thu tiền của HS phải thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin với chính quyền địa phương); giáo viên đang dạy tại các trường không được dạy thêm ngoài trường có thu tiền với HS của mình trên lớp…

Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, HS có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng nên luật không cấm; nhưng tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí; thực hiện nghiêm quy định về thời giờ, thời gian làm việc, an toàn an ninh...

Giải thích với dư luận về những quy định mới như trên, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, quan điểm của Bộ là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, HS có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… Để thời gian trong trường không chỉ là thời gian hướng học kiến thức mà còn là thời gian để HS phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. HS không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Cùng với việc đề xuất tăng mức thu nhập của người dạy học, quan tâm hơn nữa tới các chế độ chính sách với các thầy cô; dư luận kỳ vọng tinh thần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” nêu trên sẽ lan tỏa đến từng học sinh, từng thầy cô, các bậc phụ huynh và toàn xã hội.

Đọc thêm