Đề nghị áp dụng chính thức chế định Thừa phát lại

(PLO) - Việc triển khai thí điểm Thừa phát lại ở 13 địa phương với điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, tuy nhiên điểm chung sau thời gian nhìn lại chính là sự đánh giá tích cực của chính quyền địa phương, của người dân với chế định còn nhiều mới mẻ này. 
Thừa phát lại quận 1 đang tư vấn cho khách hàng về thủ tục lập vi bằng.
Thừa phát lại quận 1 đang tư vấn cho khách hàng về thủ tục lập vi bằng.
Tiết kiệm nhân lực, ngân sách nhà nước
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm Thừa phát lại với sự kỳ vọng rất lớn đây sẽ là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện chế định Thừa phát lại sau này. Năm 2010 TP.HCM bước vào giai đoạn 1 của quá trình thí điểm. Giữa bộn bề khó khăn (đây là chế định mới, người dân chưa biết đến, hành lang pháp lý cho hoạt động này còn thiếu; đội ngũ Thừa phát lại mới hình thành…) nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, Thừa phát lại ở TP.HCM đã thành công rực rỡ. Bước vào giai đoạn 2 của thí điểm, TP.HCM cùng 12 địa phương khác trên cả nước tiếp tục triển khai thí điểm Thừa phát lại và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang nhiều lần ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn. Ông khẳng định đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước; việc thí điểm chế định Thừa phát lại đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân TP.HCM và dư luận xã hội nói chung. Phó Chủ tịch Tất Thành Cang cũng nhìn nhận: “Việc triển khai chế định Thừa phát lại đã giảm tải đáng kể cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là cho tòa án và cơ quan thi hành án dân sự. Ngoài ra, mô hình Thừa phát lại còn giúp Nhà nước tiết kiệm được nhân lực, góp phần tinh giản bộ máy công quyền và về lâu dài sẽ tiết kiệm được ngân sách nhà nước”.
Là một trong 13 địa phương tiếp tục thí điểm Thừa phát lại, Hà Nội cũng rốt ráo triển khai chế định này với sự quyết tâm rất lớn từ cấp ủy, chính quyền Thủ đô. Đến nay Hà Nội đã có 8 Văn phòng Thừa phát lại, đến hết tháng 6/2015, Hà Nội đã tổng đạt gần 35 ngàn văn bản, đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp Hà Nội là 1711 vi bằng với tổng doanh thu trên 4 tỷ đồng. Đánh giá về hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Hoạt động Thừa phát lại đã được người dân đón nhận. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện chế định Thừa phát lại vì đây là chủ trương đúng, đã đi vào cuộc sống và bước đầu phát huy tác dụng”. 
Tại Hội nghị Tổng kết thí điểm Thừa phát lại của Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cũng ghi nhận: “Thừa phát lại trên địa bàn đã và đang hoạt động ổn định, bước đầu hỗ trợ tích cực cho các hoạt động tư pháp được nhanh hơn, hiệu quả hơn, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của TAND và cơ quan thi hành án dân sự. Hoạt động Thừa phát lại đã tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội ở địa phương”.
Sức lan tỏa từ chế định mới
13 địa phương với điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau nhưng điểm chung là cấp ủy, chính quyền và các ban ngành liên quan đều nỗ lực để đưa chế định Thừa phát lại vào cuộc sống. Trên địa bàn Quảng Ninh, mặc dù có nhiều địa bàn là vùng biên giới, hải đảo đi lại rất khó khăn, Thừa phát lại hoạt động ban đầu “thu không đủ chi” nhưng Thừa phát lại vẫn ngày đêm cần mẫn để khi người dân cần là có. Một loạt hệ thống các Văn phòng Thừa phát lại ở Quảng Ninh đến nay đã được đầu tư với cơ sở vật chất khang trang, phương tiện đầy đủ, một số nơi như Uông Bí, Thành ủy thành phố còn bố trí cho Thừa phát lại được ngồi trong Trung tâm hành chính công của thành phố để tiếp nhận cũng như hướng dẫn, tư vấn cho người dân về Thừa phát lại. 
Do Thừa phát lại là chế định mới, nhiều người dân cũng như chính cán bộ trong cơ quan nhà nước còn xa lạ nên việc đẩy mạnh tuyên truyền là hết sức cần thiết. Tại các địa phương khác, đáng mừng là tất cả các Tỉnh ủy/Thành ủy và UBND tỉnh đều đã tổ chức hội nghị quán triệt; ban hành các Thông tri, Đảng văn, Chỉ thị và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc quán triệt triển khai nghiêm túc việc thí điểm tại địa phương mình. Nhờ đó, nhiều hình thức tuyên truyền đã được ngành Tư pháp và các ngành liên quan triển khai tích cực, mang lại những hiệu ứng tốt. Ban Chỉ đạo cũng đã thành lập ở 13/13 địa phương làm thí điểm để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vướng mắc phát sinh.
Dù là chế định mới, thời gian thí điểm không dài nhưng theo nhận định của các địa phương, “tính thuyết phục về hiệu quả xã hội của hoạt động Thừa phát lại đã lan tỏa  trên phạm vi toàn quốc”. Trên cơ sở những kết quả đạt được tại TP.HCM, UBND thành phố đã kiến nghị Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại Trung ương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng chính thức chế định Thừa phát lại. Ban Chỉ đạo thí điểm chế định Thừa phát lại Vĩnh Long, An Giang, Nghệ An... và nhiều địa phương khác đều có chung đề nghị mở rộng việc thực hiện chế định Thừa phát lại trên phạm vi cả nước./.

Đọc thêm