Qua đó cho thấy việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại là một hướng đi đúng về cải cách tư pháp, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động tư pháp của nước ta cũng như xu thế hội nhập quốc tế.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp và nhiệm vụ hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 14/11/2008 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó đã giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm Thừa phát lại. Triển khai thực hiện, Bộ Tư pháp đã phối hợp với một số bộ, ngành liên quan, Thành ủy TP.HCM chỉ đạo tổ chức thí điểm chế định này tại TP.HCM từ năm 2010.
Trên cơ sở kết quả thực hiện tại TP.HCM, ngày 23/11/2012 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Cùng với TP.HCM, 12 địa phương khác được tiếp tục thực hiện chế định nói trên bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long.
Những con số ấn tượng
Thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13, đến nay cả nước đã có 53 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập. Tại TP.HCM có 11 Văn phòng, trong đó một số Văn phòng đã được thành lập và hoạt động từ trước theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội; 12 địa phương mở rộng thí điểm có 42 Văn phòng. Khoảng 50% các Văn phòng Thừa phát lại được tổ chức theo hình thức công ty hợp danh và 50% được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp tư nhân.
Hầu hết các Văn phòng đều được các Thừa phát lại đầu tư trang bị nghiêm túc về trụ sở, đủ diện tích làm việc, bàn ghế, trang thiết bị văn phòng, tin học. Nhiều Văn phòng Thừa phát lại ở các thành phố, tỉnh lớn như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương được đầu tư với nguồn vốn tương đối lớn, có cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tốt, thể hiện tính chuyên nghiệp, bài bản. Điều đó thể hiện mong muốn, quyết tâm, tích cực ủng hộ của người dân, xã hội nói chung và những người làm nghề Thừa phát lại nói riêng đối với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chế định Thừa phát lại.
Về nguồn nhân lực, tổng số nhân lực đang làm việc tại 53 Văn phòng Thừa phát lại là 643 người, trong đó có 134 Thừa phát lại, 295 Thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên khác. Đội ngũ Thừa phát lại đang hành nghề là những người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực pháp lý, trong đó hầu hết đã là Luật sư, Thẩm phán, Điều tra viên, Chấp hành viên…
Nhìn chung, đội ngũ Thừa phát lại là những người có tâm huyết, trách nhiệm và tích cực đi đầu thực hiện thí điểm, chấp nhận khó khăn, thách thức để thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước. Hầu hết Thư ký nghiệp vụ đều có trình độ cử nhân luật, trong đó đa phần là những sinh viên mới tốt nghiệp, trẻ tuổi, nhiệt huyết.
Theo quy định, Thừa phát lại được thực hiện các công việc: Tống đạt văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án. Tính đến ngày 31/7/2015, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 819.044 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu là 119 tỷ 231 triệu 993 nghìn đồng.
Trong các mảng công việc, hoạt động tống đạt vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 819.044 văn bản được tống đạt và doanh thu gần 60 tỷ đồng (chiếm 50,64% tổng doanh thu); kế đến là hoạt động lập vi bằng với 39.027 vi bằng được lập và doanh thu trên 52 tỷ đồng (chiếm 43,35% tổng doanh thu). Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án chiếm tỷ trọng nhỏ, với 781 việc xác minh điều kiện thi hành án và 322 vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án, doanh thu của 02 loại công việc trên mới đạt gần 7 tỷ đồng (5,8% tổng doanh thu).
Đáng chú ý, hoạt động tống đạt mặc dù có số việc và doanh số cao nhất, nhưng để thực hiện, các Văn phòng Thừa phát lại phải đầu tư nguồn lực lớn (nhân lực thực hiện, chi phí đi lại …); quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, chi phí lớn đối với địa bàn rộng, nhưng các Văn phòng Thừa phát lại đã xem tống đạt là nhiệm vụ chính trị, không đặt ra vấn đề tài chính, lợi nhuận.
Thực hiện chế định Thừa phát lại là một hướng đi đúng
Kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian qua đã khẳng định Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chế định Thừa phát lại đã được Chính phủ, bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc và bài bản. Chủ trương của Đảng về thí điểm Thừa phát lại đã được thể chế hóa và kiểm nghiệm trên thực tế, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận.
Qua đó cho thấy việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại là một hướng đi đúng về cải cách tư pháp, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động tư pháp của nước ta cũng như xu thế hội nhập quốc tế. Có thể nói đây là một nội dung, giải pháp về cải cách tư pháp đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được triển khai thực hiện thành công bước đầu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Thừa phát lại vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị còn có lúc chưa thực sự nhịp nhàng; một số cấp ủy, UBND chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thí điểm; một số tòa án và cơ quan thi hành án dân sự chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong việc phối hợp, hỗ trợ các Văn phòng Thừa phát lại; công tác tuyên truyền, phổ biến về Thừa phát lại mặc dù đã được tăng cường nhưng nhìn chung vẫn còn chưa đạt yêu cầu; các quy định pháp luật về Thừa phát lại còn thiếu, chưa đồng bộ; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ đã được thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu...
Tuy nhiên, với những gì đã làm được khẳng định chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội là đúng đắn, qua đó đã kiểm nghiệm trên thực tế và khẳng định được vai trò, sự cần thiết của chế định này. Đồng thời qua việc thí điểm cũng cho thấy những hạn chế, tồn tại của việc triển khai thực hiện cũng như khiếm khuyết của mô hình tổ chức và hoạt động Thừa phát lại trong thời gian thí điểm, từ đó có các giải pháp để thực hiện tốt hơn chế định này.
Kết quả tổng kết của các bộ, ngành, địa phương đều cho rằng chế định này là cần thiết và đề nghị cho triển khai chính thức sau khi kết thúc thí điểm. Chính phủ thấy rằng, trong thời gian tới, chế định Thừa phát lại cần được thực hiện chính thức.
Để chế định Thừa phát lại được thực hiện có hiệu quả, một trong những kiến nghị là xây dựng Luật Thừa phát lại để đảm bảo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động Thừa phát lại; đẩy mạnh công tác truyền thông, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho Thừa phát lại, Thư ký nghiệp vụ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, giám sát hoạt động Thừa phát lại...
Thêm cơ hội lựa chọn cho người dân
Sau thời gian thí điểm tại 13 địa phương, chế định Thừa phát lại được đánh giá đã tạo cơ chế tăng cường tính chủ động, tích cực của công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự. Trong đó, việc lập vi bằng của Thừa phát lại đã được người dân đón nhận hết sức tích cực vì đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong quá trình tố tụng, tư pháp. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các Văn phòng Thừa phát lại bên cạnh các cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân có thêm sự lựa chọn phù hợp với năng lực, điều kiện của cá nhân khi yêu cầu thi hành án dân sự.
Qua kết quả khảo sát về tác động kinh tế - xã hội của Thừa phát lại cũng cho thấy phần lớn người dân khi được hỏi ý kiến đều cho rằng sẵn sàng sử dụng dịch vụ Thừa phát lại vì có thể giúp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình...