Bí mật nhà nước cấp độ Tuyệt mật được bảo vệ 30 năm
Theo Báo cáo về một số nội dung về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, về thời han bảo vệ bí mật nhà nước được quy định tại Điều 22 của dự thảo Luật, nhiều ý kiến nhất trí cần có quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, tuy nhiên đề nghị làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, căn cứ xác định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước. Theo đó, đề nghị điều chỉnh thời hạn đối với bí mật nhà nước mức độ Tuyệt mật là 40 năm, Tối mật là 30 năm, Mật là 20 năm hoặc Tuyệt mật là 20 năm, Tối mật là 10 năm, Mật là 5 năm và có thể được gia hạn nếu xét thấy cần thiết và gia hạn không quá một lần.
Một số ý kiến đề nghị xác định những tài liệu cần quy định bảo vệ vĩnh viễn hoặc quy định thời hạn dài hơn.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, đây là nội dung mới được Chính phủ bổ sung vào dự thảo Luật để đảm bảo sự công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước như trong dự thảo Luật cơ bản phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Lưu trữ và pháp luật liên quan, đồng thời có nghiên cứu, tham khảo pháp luật một số nước. Do đó, đề nghị cho giữ thời hạn bảo vệ nhự dự thảo Chính phủ trình.
Theo đó, Bí mật nhà nước được phân thành 03 cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày quyết định độ mật của bí mật nhà nước đến hết thời hạn: 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật; 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật; 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật.
Thu hồi tài liệu ngay khi kết thúc hội thảo có bí mật nhà nước
Báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những hình thức chủ yếu để lộ bí mật nhà nước là việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có có bí mật nhà nước chưa chặt chẽ, chưa xác định trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo, cuộc họp, dễ bị lợi dụng để khai thác tiếp cận thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Do đó, đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với hoạt động này.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị cho bỏ Điều 14 dự thảo Luật Chính phủ trình quy định về Phổ biến, nghiên cứu bí mật nhà nước để xây dựng Điều 20 về Hội nghị, hội thảo, cuộc họp của các cơ quan, tổ chức Việt Nam có nội dung bi mật nhà nước và Điều 21 về Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam có nội dung bí mật nhà nước như dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Tương tự, đối với Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam có nội dung bí mật nhà nước phải đảm bảo các yêu càu: do cơ quan, tổ chức Việt Nam tổ chức; có văn bản cho phép phổ biến nội dung bí mật nhà nước của người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 19 của dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; thành phần tham dự là đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của dự thảo Luật và khoản 2 Điều 19 của dự thảo Luật; địa điểm tổ chức đảm bảo an toàn, không để bị lộ, bị mất bí mật nhà nước; sử dụng các phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước; có phương án bảo vệ hội nghị, hội thảo, cuộc họp; tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải thu hồi sau hội nghị, hội thảo, cuộc họp.