Đề nghị chỉnh lý quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản với lao động nữ hiếm muộn

(PLVN) - Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý Điều 52 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng không quy định điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong 12 tháng trước khi sinh đối với lao động nữ thuộc trường hợp hiếm muộn khi sinh con.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đỗ Đức Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ khi sinh con

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 27/5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Kế thừa Luật BHXH 2014, dự thảo Luật tại Điều 52 quy định lao động nữ khi sinh con phải đóng BHXH từ đủ 3 - 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh mới đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Góp ý về quy định này, Đại biểu Đỗ Đức Hiển nêu thực tế, hiện nay, có tình trạng người lao động bị hiếm muộn và nhiều trường hợp phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị cho cả 2 vợ chồng. Việc điều trị hiếm muộn thường tốn kém về chi phí và thời gian.

Trong khi đó, theo quy định Luật BHXH hiện hành (khoản 3 Điều 85) thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Quy định nêu trên của Luật dẫn đến thực trạng là để đáp ứng yêu cầu điều trị hiếm muộn, lao động nữ sẽ bị gián đoạn thời gian đóng BHXH do phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày trong tháng, kéo dài trong nhiều tháng; và do đó không đáp ứng được điều kiện đóng từ đủ 3 - 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Hệ quả là họ không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con mặc dù trước đó đã có thời gian đóng BHXH nhiều năm liên tục.

Mặt khác, do sức ép về kinh tế, có nhiều trường hợp lao động nữ muốn đi làm sớm để có thu nhập nhưng không được giải quyết do chưa đủ thời gian nghỉ sau sinh tối thiểu theo quy định trong khi họ không được hưởng chế độ thai sản.

“Như vậy là rất thiệt thòi, đó là chưa kể đến thời gian nghỉ sinh trong trường hợp này cũng không được tính là thời gian công tác”, Đại biểu nhấn mạnh.

Dẫn kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 và thông tin của Bộ Y tế trong những năm gần đây, Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho hay, 21 tỉnh thành trong cả nước (tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung) có mức sinh rất thấp và đang phải thực hiện các giải pháp khuyến sinh.

Tại các tỉnh, TP này là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp với số lượng công nhân lao động tập trung cao. Gần đây, Công đoàn Dệt may Việt Nam và nhiều doanh nghiệp cũng đã phản ánh vướng mắc nêu trên trong quá trình góp ý dự thảo Luật BHXH.

Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, nhất là lao động nữ khi sinh con và cũng là để thực hiện giải pháp khuyến sinh, cùng với việc cho phép người lao động được thỏa thuận với người sử dụng lao động đóng BHXH trong trường hợp nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng như đã quy định tại khoản 6 Điều 32 của dự thảo Luật, Đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý Điều 52 của dự thảo Luật theo hướng không quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH trong 12 tháng trước khi sinh đối với lao động nữ thuộc trường hợp hiếm muộn khi sinh con.

“Thay vào đó, trường hợp này chỉ cần có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên và có xác nhận của cơ sở KCB có thẩm quyền về việc điều trị hiếm muộn”, Đại biểu đề nghị.

Quy định rõ ràng, không trùng dẫm về thẩm quyền giải quyết tố cáo BHXH

Liên quan đến các quy định liên quan đến khiếu nại, tố cáo về BHXH, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ 6, dự thảo Luật tại các Điều 130, 131 đã được chỉnh lý một bước, theo đó đã phân định rõ hơn và quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, quy trình giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính trong lĩnh vực BHXH, quyết định, hành vi về BHXH của cơ quan BHXH.

Cơ bản tán thành với nội dung này, Đại biểu Đỗ Đức Hiển đánh giá, việc chỉnh lý như vậy bảo đảm phù hợp với vị trí pháp lý đặc thù của hệ thống cơ quan BHXH.

Đối với quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo về BHXH, Đại biểu đánh giá, quy định tại Khoản 1 Điều 132 dự thảo Luật, theo đó Cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH là chưa đủ rõ, dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Cụ thể, Đại biểu phân tích, nếu coi chấp hành quy định pháp luật là hoạt động gắn với chức năng thanh tra chuyên ngành của BHXH thì thẩm quyền giải quyết tố cáo của BHXH là rất hẹp vì dự thảo Luật tại khoản 5 Điều 16 chỉ giao BHXH thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Mặt khác, nếu coi chấp hành quy định pháp luật bao gồm cả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước thì quy định này có phần trùng dẫm với các quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo của Bộ LĐTBXH (khoản 5 Điều 137), của Bộ Tài chính (khoản 2 Điều 138) và của UBND các cấp (điểm d khoản 2 Điều 139).

Đồng thời, quy định này cũng chưa thống nhất với quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Tố cáo.

Do đó, vị Đại biểu là Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo về BHXH để chỉnh lý, bảo đảm rõ ràng, không trùng dẫm, theo hướng việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ về BHXH được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

“Với cách quy định này thì việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm trước năm 1995 sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, cần bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc tố cáo và giải quyết tố cáo về BHXH của BHXH”, Đại biểu nói.

Đọc thêm