Hiệu quả từ thực tiễn
Theo NHNN, trải qua gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu bằng hình thức khách hàng tự nguyện trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý.
NHNN cho biết, theo báo cáo của các TCTD, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 30/11/2021 là 420,0 nghìn tỷ đồng, giảm 4,65% so với cuối năm 2020 và giảm 15,74% so với ngày 14/8/2017. Lũy kế từ 15/08/2017 đến 30/11/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 373,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.
Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 30/11/2021 đạt trung bình khoảng 5,66 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,14 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (trung bình từ năm 2012 – 2017, hệ thống các TCTD xử lý được khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).
NHNN đánh giá, với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, ước tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 7,32%. Trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát thì nợ xấu tiếp tục tăng cao, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn nợ xấu có thể cao hơn mức 7,5%.
Ngoài ra, sau khi xử lý được khối lượng lớn nợ xấu trong năm 2018, 2019, tốc độ xử lý nợ xấu trong năm 2020 và năm 2021 có xu hướng chậm lại, trong đó xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng trả nợ giảm: năm 2020 giảm 12,98 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 75,8% năm 2019, do dịch bệnh COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của khách hàng.
Đề nghị kéo dài Nghị quyết 42
NHNN cho biết, nếu chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch COVID-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được, đồng thời, TCTD thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.
Cùng với đó, sẽ làm giảm ý thức tự trả nợ của khách hàng, làm ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng đối với công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, qua đó ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD và tạo ra nguy cơ rủi ro lan truyền; nền kinh tế sẽ dễ bị tổn thương khi hệ thống các TCTD đối mặt với các nguy cơ, rủi ro đổ vỡ. Do đó, việc tiếp tục kéo dài cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 là rất cần thiết.
Đáng chú ý, theo NHNN, tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH ngày 05/11/2021 về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tài sản đảm bảo” là một trong những nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, xây dựng mới và đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó, giao NHNN nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về xử lý nợ xấu của các TCTD, TSBĐ, xem xét đưa vào Chương trình năm 2023.
Từ những nội dung nêu trên, để phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng ban hành Luật xử lý nợ xấu của các TCTD trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD./.