Đề nghị kéo dài thời hạn chuyển đổi Văn phòng công chứng

(PLO) - Ngày 10/3/2017, Chính phủ đã có Tờ trình số 78/TTr-CP về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn thực hiện khoản 1 Điều 79 Luật Công chứng được đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2017) theo quy trình một kỳ họp. Để bảo đảm tiến độ xây dựng và trình dự thảo Nghị quyết, Bộ Tư pháp có công văn gửi các bộ, ngành, cơ quan về đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết nêu trên. 

Bộ Tư pháp cho biết, sau 02 năm triển khai thi hành, các quy định của Luật Công chứng năm 2014 đã cơ bản đi vào thực tiễn, cho thấy sự phù hợp với định hướng phát triển nghề công chứng ở nước ta trong giai đoạn mới, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, ổn định của hoạt động công chứng.

Tính đến hết tháng 12 năm 2016, việc triển khai thi hành Luật đạt nhiều kết quả, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn; Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 02/02/2017); thành lập thêm 24 Hội công chứng viên, nâng tổng số Hội công chứng viên hiện nay lên con số 37 Hội; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng cho hơn 200 người; 15 tỉnh, thành phố đã có cơ sở dữ liệu công chứng và 20 tỉnh khác đang xây dựng cơ sở dữ liệu này;

58 tỉnh, thành phố ban hành mức trần thù lao công chứng, 29 tỉnh, thành phố đã ban hành Tiêu chí xét duyệt hồ sơ thành lập Văn phòng Công chứng (VPCC); 02 tỉnh, thành phố đã thực hiện chuyển đổi Phòng công chứng thành VPCC (Lâm Đồng, Cần Thơ) và 03 địa phương khác đang triển khai Kế hoạch chuyển đổi Phòng công chứng (Hà Nội, Vĩnh Long, Long An); 647/825 VPCC đã hoạt động theo loại hình công ty hợp danh; 16/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc chuyển đổi VPCC theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Công chứng năm 2014... 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi VPCC. Cụ thể là khoản 1 Điều 79 Luật Công chứng năm 2014 quy định trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2015), VPCC do một công chứng viên thành lập theo quy định của Luật Công chứng năm 2006 phải chuyển đổi thành VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh (VPCC hợp danh).

 Tuy nhiên, tính đến hết ngày 31/12/2016, thời hạn phải hoàn thành chuyển đổi VPCC theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Công chứng năm 2014, thì trong tổng số 825 VPCC có 647 VPCC hợp danh (chiếm 78% tổng số VPCC) và 178 VPCC do một công chứng viên thành lập (khoảng 22%). 178 VPCC chưa chuyển đổi phân bổ tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung tại một số tỉnh miền Tây Nam bộ, Đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía Bắc.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Công chứng năm 2014 thì thuộc trường hợp bị thu hồi quyết định thành lập, giấy đăng ký hoạt động do không hoàn thành việc chuyển đổi đúng thời hạn. Tuy nhiên, việc chấm dứt hoạt động 178 VPCC này sẽ gây thiệt hại trực tiếp đến quyền và lợi ích của người yêu cầu công chứng, công chứng viên, người lao động, làm giảm niềm tin của các tổ chức, cá nhân đối với sự ổn định của các tổ chức hành nghề công chứng... 

Theo báo cáo của các địa phương thì các VPCC không chuyển đổi được đúng thời hạn chủ yếu do không có nguồn công chứng viên để tiến hành hợp danh, tập trung chủ yếu tại những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển, số lượng công chứng viên trên địa bàn ít. Trước thực trạng khó khăn trong việc chuyển đổi VPCC trên cả nước, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Công chứng năm 2014, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn chuyển đổi VPCC theo Bộ Tư pháp là cần thiết. 

Dự thảo Nghị quyết gồm 02 điều, quy định việc kéo dài thời hạn chuyển đổi VPCC theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Công chứng số 53/2014/QH13 thêm 24 tháng kể từ ngày 01/01/2017 và giao cho Chính phủ trách nhiệm triển khai thi hành Nghị quyết này.

Theo Bộ Tư pháp, thời hạn 24 tháng sẽ giúp các địa phương bổ sung thêm đội ngũ công chứng viên cần thiết từ nguồn tại chỗ cũng như thu hút thêm công chứng viên từ một số tỉnh, thành phố khác. Bộ Tư pháp cũng dẫn chứng các số liệu cụ thể và khẳng định việc gia hạn 24 tháng để bổ sung nguồn công chứng viên cho các VPCC do một công chứng viên thành lập hoàn thành việc chuyển đổi thành VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh là khả thi. 

Trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến đối với đề xuất xây dựng Nghị quyết, về cơ bản các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và nội dung của Dự thảo Nghị quyết. Việc xây dựng Nghị quyết không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mà chỉ là việc tiếp tục thực hiện quy định chuyển đổi thêm một thời gian nữa. Việc kéo dài thời hạn chuyển đổi VPCC cũng không yêu cầu bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, vì việc chuyển đổi do các VPCC thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn và quyết định chuyển đổi theo đúng quy định.

Đọc thêm