Đề nghị kiểm toán các hạng mục nhà máy thủy điện Sơn La

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (UBKHCNMTQH) chính thức đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm toán các hạng mục công trình nhà máy thủy điện Sơn La để tăng hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát tiền của nhà nước.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (UBKHCNMTQH) chính thức đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm toán các hạng mục công trình nhà máy thủy điện Sơn La để tăng hiệu quả đầu tư, chống lãng phí, thất thoát tiền của nhà nước.

Xuất hiện vết nứt

Khởi công cuối năm 2005 và thoàn thành toàn bộ dự án năm 2012, tổng mức đầu tư của nhà máy thủy điện Sơn La từ 31.000 tỷ đồng đến 37.000 tỷ đồng (chưa tính lãi vay và theo giá quý III năm 2002).

Theo UBKHCNMTQH, trong quá trình thi công nhà máy thủy điện Sơn La đã xuất hiện một số vết nứt tại đập bê tông, cụ thể ở các khối C2, L1.1, C3 và C5. Các vết nứt có độ sâu dưới 6m, bề rộng khoảng 0,5mm (một số chỗ là 1mm).

Có 6 vết nứt trên mặt có hướng gần song song với tim đập, thường chạy dọc khối đổ, có một vết nứt mặt ở khối C5 là chạy gần vuông góc với tim đập.

Cả 3 vết nứt quan sát được ở hành lang đều ở dạng thẳng đứng.

Đề nghị kiểm toán các hạng mục nhà máy thủy điện Sơn La ảnh 1

Tuy nhiên, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã có kết luận các vết nứt này không ảnh hưởng đến sự an toàn đập và cho phép đóng cống dẫn dòng thi công tích nước hồ chứa. Các vết nứt đã phát hiện nêu trên vẫn đang tiến hành quan trắc, qua số liệu quan trắc cho thấy các vết nứt không phát triển, chiều rộng vết nứt đang khép lại so với ban đầu. Số liệu thu được từ các thiết bị quan trắc đặt trong thân đập cho thấy đập đang làm việc ở trạng thái bình thường. Quan trắc các hành lang cao độ 105m và 138m khi tích nước lên trên cao độ 160m cho thấy lượng thấm vào hành lang thấp hơn so với dự kiến.

“Đội” vốn lên đến 60%

Với dự án quy mô này, nguồn vốn xây dựng công trình thuỷ điện được “lấy” vốn vay các ngân hàng thương mại 17.000 tỷ VNĐ; vốn vay Ngân hàng Đầu tư phát triển 4.000 tỷ VNĐ và vay ngoại tệ từ nguồn vốn Chính phủ thông qua Ngân hàng Đầu tư phát triển 400 triệu USD để nhập khẩu thiết bị công nghệ.

Theo UBKHCNMTQH, tổng mức đầu tư hiệu chỉnh của dựn án tăng gần 60% so với Nghị quyết của Quốc hội đưa ra trước đó.

Đến nay, tổng mức đầu tư hiệu chỉnh với số tiền lên đến 58.483,412 tỷ đồng. Theo đó, dự án thành phần xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La là 34.900,141 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay trong quá trình xây dựng là 8.208 tỷ đồng). Dự án thành phần di dân, tái định cư hiệu là 20.293, 821 tỷ đồng (theo quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010). 3.289,450 tỷ đồng là số tiền đối với dự án thành phần giao thông tránh ngập.

Đối với việc di dân, đến nay tỉnh Sơn La là địa phương đứng đầu về số tiền được giải ngân. Theo đó, công tác di dời tái định cư của tỉnh này đã giải ngân được 5.208 tỷ đồng trên tổng số 5.941 tỷ đồng, đạt 87,7% so với kế hoạch. Tiếp theo là Lai Châu và Điện Biên.

Với việc số vốn đầu tư cho thủy điện Sơn La tăng khoảng 60% so với Nghị quyết của Quốc hội, UBKHCNMTQH cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Chính phủ về phương án tăng vốn đầu tư để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Việt Hưng

Đọc thêm