Truyền thông Chính sách

Đề nghị mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định

(PLVN) -Xây dựng Luật Giám định tư pháp thay thế Luật Giám định tư pháp năm 2012, Bộ Tư pháp đề nghị mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định ở một số lĩnh vực có nhu cầu giám định lớn (ADN, tài liệu, số khung, số máy...).
Đề nghị mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định

Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập: không hấp dẫn

Văn phòng giám định tư pháp là loại hình tổ chức giám định tư pháp mới theo mô hình xã hội hóa được thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 do giám định viên tư pháp đủ điều kiện thành lập hoạt động trong 06 lĩnh vực: tài chính, xây dựng, ngân hàng, cổ vật, di vật và bản quyền tác giả. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tư pháp cho biết chỉ có duy nhất 01 Văn phòng giám định Sài Gòn được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thành lập vào năm 2013. Văn phòng này được thành lập trong lĩnh vực tài chính nhưng thực tế cũng ít được trưng cầu, hoạt động cầm chừng và hiện nay đang làm thủ tục để giải thể.

Việc thành lập Văn phòng giám định tư pháp chậm so với tiềm năng và mục tiêu, định hướng của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn. Đây là một trong những bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp, Bộ Tư pháp cho rằng phạm vi các lĩnh vực được phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp và điều kiện thành lập Văn phòng còn chưa khả thi. Trong khi đó, một số lĩnh vực chuyên môn có nhu cầu giám định trên thực tế (giám định tài liệu, ADN, số khung, số máy…) thì không thuộc phạm vi được phép thành lập Văn phòng giám định theo Luật Giám định tư pháp.

Nguyên nhân là hiện nay các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ tập trung trưng cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và sở, ngành chuyên môn mà chưa chú trọng hướng đến trưng cầu các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập thực hiện giám định tư pháp; Cơ chế, chính sách ưu đãi chưa phù hợp, không tạo sức hấp dẫn thu hút việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng lĩnh vực giám định được xã hội hóa theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 chỉ là những lĩnh vực có nhu cầu không lớn, không thường xuyên nên khó tạo nguồn thu tài chính không khuyến khích cá nhân, tổ chức thành lập Văn phòng giám định tư pháp. Do đó, cần mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định tư pháp, qua đó tăng cường số lượng Văn phòng giám định tư pháp được thành lập.

Cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp

Kế thừa, hoàn thiện quy định tại Luật Giám định tư pháp hiện hành theo hướng mở rộng lĩnh vực được thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở các lĩnh vực giám định mà hoạt động tố tụng và tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu giám định; cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp, tổ chức chuyên môn ngoài nhà nước có đủ điều kiện, năng lực và các cá nhân giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao tham gia hoạt động giám định tư pháp theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và yêu cầu của người yêu cầu giám định tư pháp.

Việc này sẽ thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, theo đó mục 7 phần IV Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới có đưa ra nhiệm vụ giải pháp về “tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực... giám định tư pháp”. Đồng thời, tạo thuận lợi, khuyến khích cá nhân là giám định viên tư pháp nghỉ hưu hoặc thôi việc có nguyện vọng thành lập Văn phòng giám định tư pháp hoặc tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp với tư cách cá nhân. Qua đó, góp phần giảm tải việc giám định tư pháp cho cơ quan quản lý nhà nước

Đối với việc mở rộng phạm vi thành lập Văn phòng giám định ở một số lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu sẽ góp phần huy động được nhà chuyên môn giỏi thực hiện đáp ứng theo nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng. Qua đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động giám định tư pháp, hạn chế tình trạng thời gian giải quyết các vụ việc bị kéo dài, từ đó tiết kiệm chi phí thời gian và chi phí ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời giảm chi phí liên quan đối với các nhân, tổ chức (chi phí đi lại, thu nhập bị ảnh hưởng...).

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc mở rộng phạm vi giám định cho các Văn phòng cần cân nhắc để tránh việc một số lĩnh vực xã hội ít có nhu cầu sẽ không thành lập được Văn phòng hoặc thành lập thì sẽ ít trưng cầu, yêu cầu giám định, khó khăn trong việc duy trì hoạt động của Văn phòng.

Đọc thêm